Chứng chỉ IELTS đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam và nhiều thí sinh đang cố gắng luyện tập để đạt được mức điểm mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần biết rõ một mức điểm bao nhiêu sẽ mang đến những lợi thế cho thí sinh. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung vào mức điểm IELTS 6.0, cung cấp những lợi ích khi có IELTS 6.0, tiêu chí để đạt được mức điểm này, và lộ trình học IELTS từ 0 - 6.0.
Key takeaways
Chứng chỉ IELTS 6.0 có thể được sử dụng cho nhiều mục đích như: xét tuyển đại học, quy đổi điểm tiếng Anh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nộp hồ sơ du học.
IELTS 6.0 có độ khó vừa phải, tuy nhiên mức điểm này yêu cầu thí sinh cần dành thời gian ôn luyện từ 9-12 tháng để đạt trình độ từ 0 đến 6.0.
IELTS 6.0 được đánh giá ở mức độ trung bình - cao và có nhiều khả năng sử dụng trong thực tiễn.
IELTS 6.0 tương đương 570-680 TOEIC hay bậc B2 của khung CEFR.
IELTS 6.0 làm được gì?
Với mức điểm IELTS 6.0, các cá nhân hoàn toàn có thể sở hữu lợi thế và cơ hội trong cuộc sống hằng ngày, trong học tập và trong công việc. Cụ thể mức điểm IELTS 6.0 mang lại những lợi ích sau đây:
Cơ hội tiếp xúc thông tin
Điểm IELTS 6.0 mang đến nhiều lợi ích cho sinh viên, đặc biệt là khả năng tiếp cận thông tin tiếng Anh nhanh chóng. Hiện nay, hầu hết các tài liệu học thuật, nghiên cứu, báo chí đều được phiên dịch sang tiếng Anh để dễ dàng tiếp cận với cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, số lượng tài liệu tiếng Việt được dịch sang tiếng Anh còn hạn chế. Vì vậy, sinh viên có thể cập nhật kiến thức chuyên ngành mới nhất, tham khảo tài liệu tiếng Anh chất lượng cao mà không cần chờ đợi bản dịch tiếng Việt.
Cơ hội xét tuyển đại học
Hiện nay, nhiều trường đại học đã bổ sung hình thức xét tuyển cần sử dụng đến bảng điểm IELTS. Ví dụ, với mức điểm IELTS 6.0, thí sinh sẽ có cơ hội xét tuyển vào trường đại học Kinh tế (một số ngành nhất định) và được ưu tiên so với các cá nhân không có bằng IELTS tại trường đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, mức điểm 6.0 không thể đảm bảo rằng thí sinh sẽ chắc chắn đỗ vào môi trường ấy, nhưng đây cũng là một cơ hội không nên bỏ lỡ.
Miễn bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh
Hiện nay, một số trường đại học nhất định có quy định về việc quy đổi điểm IELTS ra với số điểm môn tiếng Anh. Mức điểm quy đổi này dao động từ 9 đến 9.5 điểm và được coi là số điểm an toàn - cao đối với bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh.
Cơ hội đi du học
Với những đất nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính hay các trường đại học có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, bằng IELTS sẽ được coi là giấy chứng nhận cho khả năng sử dụng tiếng Anh của bản thân.
Mức điểm IELTS 6.0 có thể hoàn toàn đạt tiêu chuẩn du học ở một số trường ở nhiều nước khác nhau trên toàn thế giới: Mỹ, Úc, Canada, Hà Lan, Nhật Bản,… Ngoài cơ hội này, người học cũng có thể có cơ hội đạt được học bổng hỗ trợ từ chính phủ, từ trường học tùy vào nhiều yếu tố khác trong hồ sơ du học của bản thân.
Cơ hội trong công việc
Với xu hướng tiếng Anh đang dần được phổ cập rộng rãi ở Việt Nam như hiện nay, mức điểm IELTS 6.0 được ghi nhận và được coi như một điểm cộng đối với hồ sơ cá nhân của các bạn. Với mức điểm này, các bạn đang thể hiện với nhà tuyển dụng và doanh nghiệp rằng mình đã từng tiếp xúc bài bản với tiếng Anh và có khả năng sử dụng tiếng Anh để giúp đỡ cho công việc. Những cá nhân có khả năng tiếng Anh sẽ có nhiều lựa chọn trong công việc hơn, bao gồm cả doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp quốc tế.
IELTS 6.0 có khó không?
IELTS 6.0 được đánh giá là có độ khó vừa phải, hoàn toàn có thể đạt được nếu người học có phương pháp học tập và luyện tập phù hợp. Tuy nhiên, để chinh phục được mục tiêu này, người học cần dành một khoảng thời gian nhất định để ôn luyện.
Đối với những thí sinh bắt đầu từ con số 0, chưa có kiến thức tiếng Anh và được xem là mất gốc, không có kiến thức bất kỳ và ít cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh, lộ trình học tập để đạt 6.0 IELTS có thể kéo dài từ 9 đến 12 tháng.
IELTS 6.0 là cao hay thấp?
IELTS 6.0 được đánh giá ở mức độ trung bình - cao và có nhiều khả năng sử dụng trong thực tiễn. Hiện tại, mức điểm tối đa của IELTS là 9.0.
Dưới đây là cách quy đổi điểm của chứng chỉ IELTS sang một đố chứng chỉ khác, cụ thể như sau:
Như ở trên bảng, người đọc có thể thấy rằng điểm IELTS 6.0 sẽ được quy đổi ngang bằng với trình độ B2 của khung CEFR (Khung Tham Chiếu Ngôn Ngữ Chung Châu Âu). Đây được coi là trình độ trung bình - cao vì sau trình độ B2 thì sẽ là C1 (đại diện cho trình độ thuộc nhóm cao cấp).
Ngoài ra, điểm IELTS 6.0 tương đương với mức điểm 570-680 TOEIC (Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về giao tiếp). Tổng số điểm của bài thi TOEIC là 990 điểm và số điểm 570-680 được đánh giá là thể hiện người thi có khả năng giao tiếp ngôn ngữ khá. Cuối cùng, 6.0 IELTS tương đương với số điểm 65-66 của bài thi TOEFL.
Học IELTS 6.0 mất bao lâu?
Để đạt điểm IELTS 6.0, người học cần thời gian ôn luyện từ 9-12 tháng đối với những người học bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn sẽ tập trung vào những mảng kiến thức cụ thể khác nhau. Dưới đây sẽ là lộ trình ôn luyện từ trình độ 0-6.0 IELTS, được chia thành 4 giai đoạn cụ thể.
Lộ trình học IELTS từ 0 - 6.0
Các tiêu chí đạt IELTS 6.0
Trên thực tế, điểm IELTS Overall của thí sinh sẽ là số điểm trung bình của tổng điểm bốn kỹ năng trong bài thi IELTS (Reading, Listening, Writing, Speaking). Vậy nên, mặc dù mỗi kỹ năng cụ thể không đạt chính xác số điểm 6.0 thì thí sinh vẫn có thể có cơ hội bù trừ để có số điểm trung bình là 6.0. Tuy nhiên, với mỗi kỹ năng, nếu cần đạt được mức điểm 6.0 thì thí sinh cần đạt được những yêu cầu sau:
Listening
Thí sinh cần có số đáp án chính xác trong khoảng 23-25 câu.
Reading (Academic)
Thí sinh cần có số đáp án chính xác trong khoảng 23-25 câu.
Writing
Kỹ năng Writing sẽ được chấm cụ thể theo 4 tiêu chí đối với cả hai bài Writing task 1 và Writing task 2. Vậy để đạt được 6 điểm Writing thì từng tiêu chí của bài viết cần đạt được mức độ như sau:
Writing task 1:
Task achievement: Thí sinh trả lời được câu hỏi của đề bài và sử dụng cấu trúc phù hợp cho bài viết. Ngoài ra, những thông tin chính đã được làm nổi bật và có đưa ra số liệu phù hợp để củng cố cho nội dung của bài viết.
Coherence and cohesion: Bài viết được trình bày theo một thứ tự phù hợp và cung cấp được cái nhìn tổng quát cho người đọc. Các công cụ nối đã được sử dụng, tuy nhiên vẫn tồn tại lỗi sai hoặc sự máy móc trong cách sử dụng. Các từ thay thế có được sử dụng nhưng vẫn tồn tại lỗi sai trong quá trình sử dụng.
Lexical resource: Thí sinh có lượng từ vựng vừa đủ để diễn đạt những thông tin cần thiết, tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp lựa chọn từ vựng không phù hợp, mặc dù không gây cản trở đến việc đọc hiểu. Ngoài ra vẫn tồn tại một số lỗi chính tả hoặc lỗi hình thành từ.
Grammatical Range and Accuracy: Thí sinh có khả năng sử dụng kết hợp giữa các dạng câu đơn giản và phức tạp nhưng tính linh hoạt vẫn bị hạn chế. Ngoài ra, các câu phức tạp có độ chính xác thấp hơn so với câu cơ bản. Hơn thế nữa vẫn tồn tại một số lỗi về ngữ pháp và dấu câu nhưng không gây cản trở việc đọc hiểu.
Writing task 2:
Task achievement: Thí sinh trả lời được câu hỏi của đề bài và sử dụng cấu trúc phù hợp cho bài viết. Ngoài ra, những thông tin chính đã được làm nổi bật và có đưa ra dẫn chứng phù hợp để củng cố nội dung cho luận điểm.
Coherence and cohesion: Bài viết trình bày các luận điểm, luận cứ theo trình tự phù hợp. Các công cụ nối đã được sử dụng, tuy nhiên vẫn tồn tại lỗi sai hoặc sự máy móc trong cách sử dụng. Các từ thay thế có được sử dụng nhưng vẫn tồn tại lỗi sai trong quá trình sử dụng.
Lexical resource: Thí sinh có lượng từ vựng vừa đủ để diễn đạt những thông tin cần thiết, tuy nhiên ý tưởng vẫn chưa được thể hiện quá rõ ràng do sự hạn chế ở vốn từ vựng. Ngoài ra thí sinh cũng có khả năng sử dụng một số từ vựng, cách diễn đạt độc đáo nhưng lại mắc sai lầm. Bài viết tồn tại lỗi chính tả và từ vựng, dù không gây cản trở giao tiếp.
Grammatical Range and Accuracy: Thí sinh có khả năng sử dụng kết hợp giữa các dạng câu đơn giản và phức tạp nhưng tính linh hoạt vẫn bị hạn chế. Ngoài ra, các câu phức tạp có độ chính xác thấp hơn so với câu cơ bản. Hơn thế nữa vẫn tồn tại một số lỗi ngữ pháp về dấu câu nhưng không gây cản trở việc đọc hiểu.
Speaking
Kỹ năng Speaking sẽ được chấm cụ thể theo 4 tiêu chí. Vậy để đạt được 6 điểm Speaking thì từng tiêu chí của câu trả lời cần đạt được mức độ như sau:
Fluency and Coherence: Thí sinh có khả năng đưa ra câu trả lời dài nhưng vẫn có sự vấp, tự sửa lại hoặc do dự.
Grammatical Range: Thí sinh có khả năng sử dụng linh hoạt giữa câu đơn và câu ghép, câu phức. Ngoài ra, thí sinh có sử dụng được các cấu trúc ngữ pháp trong lúc nói nhưng vẫn còn tồn tại những lỗi sai ở các câu phức tạp.
Lexical Resource: Thí sinh có vốn từ vựng đủ để đưa ra câu trả lời về chủ đề và diễn giải thành công ý tưởng của bản thân. Thí sinh có thể sử dụng một số từ vựng không phù hợp nhưng không làm ảnh hưởng đến đến ý nghĩa và độ mạch lạc của câu trả lời.
Pronunciation: Thí sinh có thể phát âm đúng các từ ở một mức độ nhất định và vẫn còn tồn tại một số lỗi sai ở từ đơn lẻ nhưng không làm giảm mức độ rõ ràng của câu trả lời.
Giai đoạn 1: Từ 0-3.0 IELTS
Thời gian ôn luyện: khoảng 2 tháng.
Mục tiêu cần đạt: Đối với giai đoạn 0-3.0, thí sinh nên tập trung vào việc học những kiến thức ngữ pháp và từ vựng nền tảng.
Ngữ pháp:
Người học cần tập trung vào các thành phần cấu tạo nên câu, các thì (thì hiện tại đơn, quá khứ đơn, tương lai, thì hiện tại hoàn thành,...), danh từ số ít/ số nhiều, mạo từ, câu so sánh,…
Từ vựng:
Người học nên tập trung học các từ vựng cơ bản hay được sử dụng cho các chủ đề hằng ngày như: number (số), food (đồ ăn), family (gia đình), weather (thời tiết).
Khi học thuộc từ và nghĩa của từ vựng, cũng cần tập trung vào cách phát âm của từ vựng đó.
Có thể học trước bảng quy tắc IPA (International Phonetic Alphabet) để có thể học phát âm bài bài hơn.
Kết hợp với việc làm bài listening (nghe) đơn giản và reading (đọc) ngắn khi học từ vựng mới.
Tập tự viết các câu đơn lẻ để củng cố từ vựng và ngữ pháp.
Đây là những phần cơ bản mà thí sinh cần tập trung nắm chắc trước khi bước vào giai đoạn sau đó.
Tài liệu tham khảo: Vocabulary in Use, Pronunciation in Use, Get ready for IELTS. Đây đều là những tài liệu cơ bản giúp người đọc làm quen với các kiến thức sẽ sử dụng nhiều trong IELTS ở giai đoạn sau này.
Giai đoạn 2: từ 3.0-4.0 IELTS
Thời gian ôn luyện: khoảng 2 tháng.
Mục tiêu cần đạt:
Từ vựng:
Học các từ vựng thuộc các chủ đề rộng hơn và mang tính học thuật hơn, ví dụ như technology (công nghệ), manufacture (sản xuất), natural life (cuộc sống tự nhiên).
Lưu ý là hãy bắt đầu với những từ vựng ở mức độ B1 đầu tiên và nắm chắc những từ vựng này.
Mở rộng vốn từ vựng bằng việc tìm hiểu về Word Family - họ của từ như tiền tố, hậu tố để đẩy cao tốc độ.
Ngữ pháp:
Ôn tập lại các ngữ pháp cơ bản đã được học ở giai đoạn trước
Luyện tập sử dụng bằng việc viết những đoạn văn ngắn về các chủ đề cơ bản
Làm quen dạng bài:
Trong giai đoạn này, thí sinh nên bắt đầu làm quen với hình thức của kỹ năng Speaking, Reading và Listening của bài thi IELTS bao gồm như: mỗi kỹ năng sẽ có bao nhiêu câu hỏi, có những dạng bài nào,... Sau đó, thí sinh có thể bắt đầu với một số dạng đơn giản nhất. Cụ thể hơn:
Luyện tập IELTS Speaking part 1 vì phần này sẽ là đưa ra các câu hỏi không quá khó và chỉ yêu cầu đưa ra câu trả lời với độ dài vừa phải.
Với kỹ năng Listening, thí sinh cũng có thể bắt đầu với IELTS Listening Part 1 vì đây sẽ thường là phần dễ nhất trong bài thi.
Cuối cùng, thí sinh vẫn nên tập trung vào việc đọc các văn bản ngắn nhưng có các câu hỏi của bài Reading IELTS như: điền câu trả lời vào chỗ trống, T/F/NG.
Đối với cả 2 kỹ năng là Listening và Reading, thí sinh nên lưu ý việc tự chữa bài và nghiên cứu đáp án kỹ càng bằng việc đọc phân tích đáp án và kiểm tra transcript (lời thoại của audio).
Tài liệu tham khảo: Destination B1, Bridge to IELTS Pre-intermediate - Intermediate Band 3.5 to 4.5. Ngoài ra, thí sinh có thể kết hợp với nghe, đọc tiếng Anh đơn giản với nội dung giải trí ở trên các nền tảng Internet.
Giai đoạn 3: từ 4.0-5.0 IELTS
Thời gian ôn luyện: khoảng 3 tháng.
Mục tiêu cần đạt:
Writing Task 1:
Bắt đầu học thêm kiến thức về dạng Writing task 1 của bài thi IELTS và luyện tập thường xuyên.
Bắt đầu học từ bản chất của dạng bài này thay vì chỉ học các dạng câu văn mẫu hay để có nền tảng vững chắc.
Nên bắt đầu với dạng biểu đồ trước, vì sẽ giúp cho thí sinh hình thành được lối tư duy cụ thể cho dạng bài Writing task 1.
Nên chọn lựa mức độ khó của bài Writing task 1 ở mức dễ - trung bình trong giai đoạn này.
Học thêm collocation để sử dụng cho bài viết Writing.
Speaking
Bắt đầu làm quen với dạng Speaking part 2 theo từng chủ đề.
Tham khảo các từ vựng liên quan đến chủ đề và tự soạn các câu trả lời sẵn.
Sau khoảng một nửa thời gian, thí sinh có thể bắt đầu áp dụng việc quy định thời gian theo mức độ giảm dần.
Học thêm một số idiom cơ bản để sử dụng cho bài Speaking.
Từ vựng
Tập trung học từ vựng theo các chủ đề mang ý nghĩa học thuật để hỗ trợ cho kỹ năng Listening và Reading.
Nên sử dụng các từ vựng đã học được để áp dụng vào phương pháp paraphrase để tăng trình độ bản thân.
Listening và Reading: nên tiếp cận hết với những dạng câu hỏi còn lại và bắt đầu luyện tập trong phạm vi 1 đề (bao gồm đủ 4 phần cho Listening và 3 phần cho Reading).
Tài liệu tham khảo: Destination B2, IELTS Cambridge 13, 14, 15, 16,…
Giai đoạn 4: từ 5.0-6.0 IELTS
Thời gian ôn luyện: khoảng 3 - 4 tháng.
Mục tiêu cần đạt:
Writing Task 2
Tập trung vào việc học kiến thức về dạng Writing task 2 của bài thi IELTS và tìm hiểu về bản chất của dạng bài thi IELTS một cách bài bản.
Mở rộng thêm vốn từ vựng theo chủ đề của bản thân, đặc biệt là các từ vựng thuộc văn phong formal (lịch sự) để có thể sử dụng trong Writing.
Đào sâu thêm vào những từ vựng hiện có xem liệu có thể sử dụng vào ngữ cảnh khác hay không.
Speaking: Ngoài ra, thí sinh sẽ hoàn thiện kỹ năng Speaking của mình với việc học thêm về Part 3 của kỹ năng trên.
Listening và Reading: Nâng cấp trình độ kỹ năng Listening và Reading của mình bằng việc áp dụng thêm một số phương pháp làm bài và luyện tập như: phương pháp skimming và scanning (Áp dụng cho Reading - giúp cho thí sinh đẩy nhanh tốc độ làm bài), phương pháp Reproduce (nghe - chép chính tả giúp cho thí sinh nâng cao khả năng nghe - hiểu và phản xạ với tiếng Anh).
Lưu ý: Ở giai đoạn này, thí sinh bắt buộc phải làm quen với áp lực thời gian bằng việc bấm giờ làm bài của tất cả các kỹ năng.
Tài liệu tham khảo: Destination C1-C2, the Official Cambridge guide to IELTS, IELTS Advantage,…
Xem thêm:
Chiến lược cải thiện IELTS Speaking band 5.0 lên 6.0
Chiến lược cải thiện IELTS Writing band 5.0 lên 6.0
Tổng kết
Bài viết đã cung cấp các thông tin cần biết về mức điểm IELTS 6.0, lộ trình học IELTS từ 0 - 6.0 cũng như là giải đáp một số thắc mắc thường gặp của các bạn về mức điểm này. Mong rằng thí sinh có thể áp dụng các kiến thức nêu trên vào quá trình luyện tập để có thể cải thiện tiếng Anh của bản thân.
Ngoài ra, học sinh có thể được giải đáp thắc mắc chữa bài tập trên diễn đàn ZIM Helper bởi các giảng viên chuyên môn đang giảng dạy tại ZIM và có thể tham khảo thêm khóa học IELTS Advanced của ZIM.
Đọc tiếp:
IELTS 6.5 có khó không? Lộ trình cụ thể cho người học từ 0 - 6.5
Lộ trình học IELTS Reading 6.0 cho người mới bắt đầu
Lộ trình học IELTS Listening 6.0 cho người mới bắt đầu
Tài liệu tham khảo
“Band Score and Marking|IDP IELTS.” IDP IELTS Japan, ieltsjp.com/japan/about/about-ielts/ielts-band-scores/en-gb.
“IELTS Writing Band Scores.” IDP IELTS Vietnam, ielts.idp.com/vietnam/results/scores/writing/en-gb.
“How Are Your IELTS Speaking Scores Calculated?” IDP IELTS Vietnam, ielts.idp.com/vietnam/results/scores/speaking/en-gb.