Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học
Tại dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mạng lưới các trường đại học được phân bố trên khắp cả nước và các vùng miền; tuy nhiên, sự phân bổ chênh lệch, và có mối tương quan mạnh với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng; hệ thống trường tư thục đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, số lượng và quy mô trường vẫn còn hạn chế.
Cụ thể, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở giáo dục đại học công lập (26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các địa phương); 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập (05 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (03 trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17 trực thuộc các địa phương).
Số lượng các trường tăng khá nhiều tuy nhiên không đồng đều giữa các vùng miền nhưng lại có sự tương quan khá chặt chẽ với sự phát triển kinh tế giữa các vùng. Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); Trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%); Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).
Phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học có sự phát triển, đặc biệt trong giai đoạn gần đây góp phần trong việc mở rộng độ bao phủ của giáo dục đại học tại các vùng, các địa phương cũng như bước đầu phản ánh nhu cầu sắp xép, tổ chức lại một số cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm hoạt động không hiệu quả.
Cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học (cả trường đại học và đại học) trong đó có 20 phân hiệu hình thành mới (trong đó có 6 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học tư thục), 4 phân hiệu được hình thành trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm, 9 phân hiệu trên cơ sở trường đại học. Trong số 30 phân hiệu có 4 phân hiệu trong mạng lưới cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên. Quy mô của các phân hiệu này vẫn còn thấp nhưng đã phần nào góp phần nâng cao độ bao phủ giáo dục đại học tại một số địa phương, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn.
Ảnh minh họa: Linh An
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học phân mảnh khi số lượng cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo) có tỉ lệ cao; số lượng các trường đại học địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo của các trường đại học địa phương chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.
02 Đại học quốc gia trực thuộc Chính phủ có nhiều trường đại học thành viên, trường thành viên, khoa thành viên và các viện nghiên cứu; 03 đại học vùng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm các trường đại học thành viên, trường thành viên, khoa thành viên và các viện nghiên cứu và có thể có cả trung tâm đào tạo từ xa; Các trường đại học trực thuộc các Bộ ngành khác nhau gồm các khoa và bộ môn trực thuộc.
Cả nước có 68 trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 28 trường thuộc lực lượng vũ trang, 8 trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhưng không phải là cơ sở giáo dục đại học và 32 trường thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng) thực hiện đào tạo đại học.
Viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ
Cả nước có 39 viện nghiên cứu hiện đang tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ, với quy mô đào tạo khoảng 400 nghiên cứu sinh, chỉ chiếm 0,05% tổng quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của cả nước.
Các viện nghiên cứu này được phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước, với số lớn tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng (cụ thể là Hà Nội), một phần tại vùng Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh), và số rất ít tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ tập trung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng sự liên kết với các (rất nhiều) trường đại học trong vùng không cao.