Giáo viên luyện thi đại học online 'vừa dạy vừa ngậm sâm' thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng

Xu hướng chung của luyện thi vài năm trở lại đây là giảm các lớp học trực tiếp (offline), tăng cường khóa học qua mạng (online).

Thậm chí, dạy và học online hiện được đánh giá hữu hiệu và nhanh chóng nhất để lan truyền danh tiếng, cũng như tăng thu nhập cho giảng viên.

Thu nhập 'khủng'

Một số giáo viên thừa nhận khoảng một tháng trước kỳ thi THPT quốc gia là lúc "chạy sô", kiếm tiền nhiều nhất. Đây được coi là "thời điểm vàng", học sinh đã nghỉ ở trường nên số lượng đăng ký luyện thi tăng vọt.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay không còn cảnh hàng trăm thí sinh chen chúc trong mỗi lớp học thêm tại các trung tâm nổi tiếng quanh các trường đại học như Bách khoa, Sư phạm... Tuy nhiên, các lớp luyện thi Toán vẫn được duy trì, bởi đây là môn bắt buộc và là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi mới - trắc nghiệm.

Thầy Nguyễn Tuấn Minh (giáo viên dạy Toán ở Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết với những lớp luyện thi có vài trăm học sinh, thù lao cho giáo viên là 10-20 triệu đồng/buổi.

Giao vien

Với sự phát triển của công nghệ, nhiều học sinh chọn học và ôn thi qua mạng. Ảnh minh họa.

Lớp offline thường có khoảng từ 300-500 học sinh trong hội trường lớn, diễn ra trong 3 tiếng, giải lao 30 phút. Học phí 50.000 đồng đến 90.000 đồng/em, tuỳ theo nơi tổ chức dạy. Giáo viên sẽ nhận được 70% số tiền thu được.

Với những giáo viên online, việc dạy học được thực hiện gián tiếp qua mạng nhưng vẫn thu “tiền tươi thóc thật”. Cụ thể, giáo viên thu học phí của học sinh qua các kênh thanh toán trung gian như thẻ cào điện thoại, các loại thẻ thanh toán, ví điện tử, tài khoản ngân hàng, bưu điện...

Học sinh nộp khoản tiền đăng ký này vào thời điểm khai giảng khóa học cho công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến. Thu nhập của giáo viên là phần thù lao theo tỷ lệ phần trăm đã thỏa thuận với công ty.

Thầy Lê Trọng Quang (giáo viên dạy online) tiết lộ thầy cô càng được nhiều học sinh yêu mến càng có doanh thu cao. Trong đó, có người nổi tiếng kiếm tiền tỷ một tháng luyện thi "nước rút", nếu dạy cả online và offline. Tuy nhiên, số này rất ít. Nhiều giáo viên có thể nhận được khoảng 100-300 triệu đồng/tháng.

Cũng theo những người trong nghề, giáo viên có thu nhập đáng ngưỡng mộ thường tập trung ở thầy cô nổi tiếng dạy các môn học như Toán, Vật lý, Hóa học và tiếng Anh. Vì thực tế, học sinh có nhu cầu luyện thi các môn thuộc tổ hợp A, A1, D nhiều hơn cả.

Ngoài công việc dạy online và offline, họ có thể kiếm tiền bằng việc viết sách. Càng nổi tiếng, quảng bá được nhiều sách, họ càng kiếm được thêm tiền từ chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng từ nguồn này.

Với sự hấp dẫn và năng động trong cách dạy và học có nhiều đổi mới, không ít người đã từ bỏ sự ổn định ở trường để trở thành giáo viên tự do. Họ là những thầy cô của thời công nghệ, có cách dạy khác với phần đông giáo viên truyền thống.

‘Vừa dạy học vừa ngậm sâm’

Nhìn vào con số thu nhập của giáo viên luyện thi trong những tháng cao điểm, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ. Tuy nhiên, để có được những điều đó, họ phải nỗ lực hết mình và nhanh nhạy với xu hướng công nghệ của thời đại.

Thầy cô dạy online không ngừng tự học để cập nhật kiến thức mới nhanh nhất. Vừa soạn giáo án, họ vừa phải kèm nhiều thiết bị ghi hình, âm thanh, phần mềm. Sự thông minh, nét duyên của mỗi người trong dẫn dắt bài giảng sao cho thu hút học trò cũng là điều quan trọng.

Nhiều giáo viên trẻ luyện thi có lịch làm việc "nặng", bị người trong nghề gọi là “hành xác”, “vừa dạy học vừa ngậm sâm” trong thời gian cao điểm.

Cô Nguyễn Hồng Anh - giáo viên luyện thi tiếng Anh (Hà Nội) - cho hay tháng luyện thi cấp tốc (một tháng trước kỳ thi), thời gian làm việc bắt đầu từ 5h với việc phân loại, sắp xếp tài liệu, phát cho học sinh các lớp khác nhau. Mỗi lớp ôn luyện kéo dài từ 1,5 đến 3 tiếng.

Thu nhập cao không dễ đến với giáo viên luyện thi

Thầy Khắc Vũ (giáo viên dạy Hoá học) chia sẻ khi anh mới bắt đầu công việc dạy online năm 2010, thu nhập rất bèo bọt, thậm chí thù lao không bằng gia sư thời sinh viên. Nhiều giáo viên giỏi khi đó đã từ chối công việc này.

"Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho những giáo viên trẻ như tôi được thể hiện bản thân", thầy Vũ nói.

Ví dụ, trong ngày bận rộn, giáo viên này có lớp học đầu tiên bắt đầu lúc 7h30, kéo dài tới 11h. Lớp học thứ hai từ 14h đến 15h30. Lớp cuối cùng trong ngày thường bắt đầu từ 18h và kết thúc lúc 21h30 hoặc có thể sớm hơn lúc 19h30.

Từ 20h đến 22h là “giờ vàng” trên Facebook, học sinh thường online nhiều, thầy cô phải lên mạng để tương tác với "khách hàng". Họ chia sẻ tài liệu, đề thi, livestream tư vấn, giải đáp thắc mắc.

Sau 22h, nhiều người vẫn chưa thể nghỉ ngơi vì có rất nhiều công việc đang chờ như: Ghi hình bài giảng cho khóa học online, chuẩn bị tài liệu cho buổi học sau, trả lời tin nhắn học sinh, phụ huynh từ Facbook, Zalo, email...

Nhiều ngày liên tiếp trong tháng cao điểm, các thầy cô luyện thi chỉ có thể nghỉ ngơi sau 1h đến 3h sáng. Không ít người thậm chí không có ngày nghỉ, bởi thời điểm cuối tuần, buổi tối, học sinh thường tham gia học trực tiếp tại các lớp luyện thi.

Suốt một ngày bận rộn, họ thường tranh thủ ăn tối trong giờ giải lao của lớp học và không có thời gian dành cho bản thân, chăm sóc gia đình.

Video: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn về tổ chức thi trắc nghiệm

Không chỉ vì thu nhập

Theo các giáo viên lâu năm trong nghề, thầy cô luyện thi thường chia ra các cấp độ thể hiện “đẳng cấp” khác nhau. Đó là những người mới vào nghề và “ngôi sao”.

Những giáo viên trẻ thường có lịch làm việc dày đặc. Họ có sức khỏe và đang hết mình vươn lên khẳng định bản thân. Họ thường chưa có gia đình hoặc nhận được sự cảm thông từ phía gia đình để cống hiến cho nghề.

Còn những giáo viên đã có kinh nghiệm, danh tiếng, họ có thể sắp xếp công việc nhẹ nhàng hơn như lùi thời điểm khai giảng các lớp mới vào sau tháng cấp tốc, không dạy cuối tuần mà vẫn có học sinh. Đồng thời, các bài giảng online, tài liệu, đề thi dùng cho việc chia sẻ, truyền thông... sẽ được chuẩn bị sớm do đã có kinh nghiệm.

Ngoài ra, các công việc chăm sóc, hỗ trợ, giải đáp cho học sinh, phụ huynh, tuyển sinh lớp mới, quảng cáo, truyền thông, cũng được họ thuê người hỗ trợ. Một giáo viên có tiếng hoạt động lâu năm thậm chí có 10 người hỗ trợ trong thời gian cao điểm.

Thầy Anh Quân, giáo viên luyện thi ở Hà Nội, nói: “Động lực của giáo viên trẻ thường là thu nhập. Khi nhìn thấy con số thu nhập của mình tăng lên, họ sẽ muốn làm việc tiếp để có điều kiện tốt nhất cho tương lai.

Còn với những người lâu năm trong nghề, thu nhập không phải tất cả. Họ làm việc để khẳng định mình. Một phần niềm vui họ có được từ sự nể trọng mà xã hội, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh dành cho mình. Đặc biệt, sự thành đạt của các lứa học sinh, tình cảm yêu mến của các thế hệ học trò dành cho họ".

* Tên giáo viên đã thay đổi.

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/luyen-thi-dai-hoc-cung-sam-a58022.html