Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Kinh chiếm số đông hơn cả và sinh sống ở đồng bằng, đô thị, trong khi đó, 53 dân tộc khác phần lớn sinh sống ở miền núi. Mỗi dân tộc có trang phục truyền thống riêng, với kiểu dáng, màu sắc, chất liệu khác nhau, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách “Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam” của tác giả Ngô Đức Thịnh biên soạn, dày 251 trang, xuất bản năm 2000, giới thiệu về trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ như: Trang phục dân tộc Kinh, dân tộc Mường, nhóm dân tộc Tày - Nùng, dân tộc Thái, dân tộc Dao...
Nội dung gồm 13 chương:
Chương 1: Thử phác họa đôi nét trang phục qua các thời đại: Ở chương này, tác giả cho chúng ta thấy được diện mạo trang phục qua các thời đại như: trang phục thời dựng nước, thời phong kiến, thời thuộc Pháp và cũng như xu hướng chung của quá trình biến đổi ấy, người ta còn có quan niệm thẩm mỹ của con người cái đẹp là:
“Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh”
Chương 2: Trang phục dân tộc Kinh: Giới thiệu trang phục của người Kinh Bắc và trang phục người Kinh ở Nam Bộ.
Chương 3: Trang phục dân tộc Mường: Tác giả giới thiệu những nét riêng của bộ trang phục nam và nữ Mường, từ màu sắc hoa văn cạp váy đến áo chùng, mái tóc, đội khăn.
Chương 4: Trang phục các dân tộc Tày - Nùng: Quá trình tạo ra trang phục từ nghề trồng bông, dệt nhuộm vải, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và công đoạn dệt thổ cẩm. Giới thiệu trang phục nữ và nam, trang phục trẻ em, trang phục thầy cúng.
Chương 5: Trang phục dân tộc Thái: Giới thiệu trang phục nữ và nam, trang phục trẻ em, trang phục thầy cúng.
Chương 6: Trang phục dân tộc Dao: Đề cấp đến quá trình tạo ra trang phục, giới thiệu các bộ trang phục nữ Dao Đỏ, trang phục nữ Dao Quần Chẹt, trang phục nữ Dao Quần Trắng, nữ Dao Thanh Y, nữ Dao Áo Dài, nữ Dao Tiền.
Chương 7: Trang phục dân tộc Mông: Từ trang 142 đến trang 157, tác giả giới thiệu những nét chung về màu sắc và đường nét trang trí trên y phục và các đồ trang sức, so sánh với các bộ nữ phục dân tộc Mông Trắng, nữ phục dân tộc Mông Hoa…
Chương 8: Trang phục các dân tộc Tạng - Miến: Trong trang phục dân tộc Tạng - Miến có trang phục dân tộc Hà Nhì, Lô Lô, Phù Lá, La hủ, Cống và Si La,…
Chương 9: Trang phục các dân tộc miền núi phía Bắc: Giới thiệu các bộ trang phục dân tộc Khơ Mú, dân tộc Mảng, dân tộc Sán Dìu, Lá Chí.
Chương 10: Trang phục các dân tộc ở Tây Nguyên: Ở chương này, chúng ta sẽ bắt gặp những mô típ trang trí hoa văn trên mặt vải, không phải bằng kỹ thuật vẽ màu, ghép vải màu mà chủ yếu kỹ thuật dệt, hiếm thấy các sản phẩm thêu….trên trang phục của dân tộc Ê đê, Mnông và Gia Rai.
Chương 11: Trang phục dân tộc Chăm: Giới thiệu trang phục dân tộc Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận; Các sản phẩm của người Chăm ít khi thiếu vắng những đường nét hoa văn trang trí, trên các sản phẩm dệt thường có những băng vải hoa văn khổ hẹp, từ 2-2.5cm,…
Chương 12: Trang phục dân tộc Khơ Me ở Nam Bộ: Trang phục Chăm và Khơ Me có nhiều nét biến đổi, do từ lâu tiếp xúc và giao lưu với các dân tộc, các nước láng giềng. Có được diện mạo trang phục như ngày nay, các dân tộc nước ta trải qua nhiều quá trình hình thành và cải biến không ngừng, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trang phục Khơ Me ở Nam Bộ ảnh hưởng từ người Kinh và Hoa, phụ nữ Khơ Me mặc nhiều loại váy khác nhau như: trong dịp sang trọng, phụ nữ mặc Sampết hôl, Sămpết chorphum dệt bằng sợi tơ tằm hay bằng sợi bông với các màu sắc khác nhau… Nam giới Khơ Me mặc trang phục đơn giản, giống người Kinh: thường mặc xà rông và ở trần, trừ khi ra khỏi nhà, họ mặc quần, áo bà ba đen…
Chương 13: Trang phục dân tộc Hoa: Giới thiệu trang phục nam, nữ và lễ cưới cổ truyền của người Hoa…
Cuốn sách “Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam”đã đi sâu tìm hiểu diện mạo và những nét tiêu biểu về trang phục của từng vùng, từng nhóm dân tộc và những dân tộc cụ thể, giúp độc giả hiểu thêm về sự đa dạng của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Link nội dung: https://pmil.edu.vn/trang-phuc-truyen-thong-cua-nguoi-kinh-a56622.html