Trường đại học tự chủ: Học phí tăng, chất lượng có song hành?

Khi các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ, thay đổi sớm và dễ thấy nhất là tăng học phí. Thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến người học.

Liệu chất lượng dịch vụ mà người học nhận lại có tương xứng với mức học phí mới?

Tự chủ = tăng học phí

Năm 2021, Đại học ĐHQG-HCM sẽ có thêm ba trường ĐH thành viên thực hiện đề án đổi mới cơ chế hoạt động, chuyển sang giai đoạn tự chủ, gồm Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Trường Đại học Kinh tế - Luật. Trước đó, Trường Đại học Quốc tế đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Theo đề án trình lên Hội đồng ĐHQG-HCM, Trường Đại học Kinh tế - Luật đề xuất mức học phí dự kiến năm 2021 là 20,5 triệu đồng; năm 2022 là 22,6 triệu đồng; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, trường dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng 10-15%.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - một trong những trường sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ

PGS.TS Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Hội đồng Trường khẳng định Trường sẽ điều chỉnh tăng học phí theo mức mà xã hội chấp nhận được, theo định mức kinh tế xã hội. Trường xác định mức thu cạnh tranh so với các trường đã thực hiện cơ chế tự chủ, đồng thời không gây “sốc” cho người học.

Còn với Trường Đại học Bách khoa, khi được thông qua đề án, học phí sinh viên khóa 2021 dự kiến sẽ khoảng 25 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà, tăng khoảng gấp đôi so với mức học phí hiện nay. Lộ trình tăng học phí các khóa tiếp theo dự kiến là 27,5 triệu đồng vào năm 2022; các năm 2023, 2024 và 2025 là 30 triệu đồng/năm. Trường này đề xuất đến năm 2030, thu đủ mức học phí theo giá dịch vụ đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng.

Trường Đại học Công nghệ thông tin đề xuất mức học phí dự kiến là 25 triệu đồng cho năm 2021; năm 2020 là 30 triệu đồng; năm 2023 là 45 triệu đồng; năm 2024 là 49,5 triệu đồng và năm 2025 là 54,4 triệu đồng.

Có một điều không thể phủ nhận là khi trường đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo. Và việc xác lập này luôn theo chiều hướng tăng. Khi thực hiện việc tự chủ trước đó, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM,… đều gây xôn xao với mức học phí mới.

Theo PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội - trong năm học 2020-2021, học phí vẫn thu theo mức trần được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP (về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) là 14,3 triệu đồng/năm.

Thế nhưng, thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo khi trường được thực hiện tự chủ thì học phí sẽ thay đổi. Nhà trường đang xây dựng lộ trình tăng học phí trong những năm tới trên cơ sở đảm bảo khả năng chi trả của học sinh, phụ huynh nhưng cũng phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Trả học phí cao, người học được hưởng những gì?

Chia sẻ về mức học phí tăng cao khi tự chủ, tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng hiện nay các trường đang hướng tới tự chủ nhưng ở mức độ rất khác nhau.

Tự chủ ĐH hiện nay gồm tự chủ học thuật, nhân sự, tài chính, học phí, tự chủ chi thường xuyên, xây dựng cơ bản. Hiện ở Việt Nam, chỉ có Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự chủ về cả chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản; các trường còn lại chỉ tự chủ về chi thường xuyên.

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, tuy chỉ tự chủ một phần, nhưng đa số các trường tự chủ đều thu học phí cao để lấy nguồn đó chi cho tất cả hoạt động vận hành nhà trường.

“Tôi không đồng ý việc này, vì chi phí cho một sinh viên trong năm học chỉ tính một phần nào đó để vận hành nhà trường. Nhà trường phải có các hoạt động lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học,… để vận hành bộ máy. Thực chất, nhà trường vẫn còn nhận ngân sách chứ chưa tự chủ hoàn toàn nên không thể tính tất cả chi phí lên học phí của sinh viên.

Ở một số quốc gia, học phí chỉ chiếm 1/3 đến 1/4 chi phí vận hành nhà trường chứ không phải chiếm 90% chi phí hoạt động nhà trường như ở Việt Nam” - tiến sĩ Khuyến nhận định.

Nói về việc tăng học phí trong quá trình tự chủ ĐH, tiến sĩ Khuyến cho rằng, các trường phải tính toán cho phù hợp, tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình, mà giải trình phải công khai, minh bạch với toàn xã hội chứ không phải trong nội bộ nhà trường. Về việc này, các trường vẫn chưa làm tốt, vẫn còn sự mập mờ.

Việc thu học phí cao phải đi kèm những cam kết với người học về chuẩn đầu ra và chuẩn này phải được cơ quan kiểm định chất lượng uy tín thực hiện. Các nền giáo dục ĐH trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Singapore làm rất tốt tự chủ ĐH đi đôi với cam kết và thực hiện việc tăng chất lượng.

Theo cam kết của các trường, việc tăng học phí sẽ đi kèm với nhiều yếu tố để đảm bảo công bằng cho người học. Trước khi thực hiện cơ chế tự chủ, Trường Đại học Kinh tế - Luật đảm bảo người học không bị mất cơ hội học tập. Ngoài trích lại tối thiểu 8% nguồn thu học phí vào quỹ học bổng cho sinh viên, trường còn chuẩn bị một nguồn quỹ đồng hành (đã huy động được hơn 3 tỷ đồng) dành cho sinh viên khó khăn vay không lãi suất suốt bốn năm học. Tương tự, Trường Đại học Bách khoa cũng chuẩn bị các chính sách học bổng, hỗ trợ cho sinh viên.

PGS.TS khẳng định: “Trường công nên sẽ không có lợi nhuận, nguồn thu sẽ dùng tái đầu tư phát triển. Vì trường không còn được nhận kinh phí chi thường xuyên nên bắt buộc phải điều chỉnh học phí, nhưng tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng cho người học. Khi đó, sẽ không còn phân biệt chương trình đại trà hay chất lượng cao mà tất cả đều có dịch vụ và chất lượng cao như nhau.

Những thay đổi dễ thấy nhất là giảm sĩ số lớp từ 70 xuống còn 40-50 sinh viên/lớp; giảng viên dạy lớp ít hơn nhưng được trả chi phí nhiều hơn nên phải đáp ứng yêu cầu cao hơn; thư viện, giáo trình, phòng thực hành, việc học thực tế với doanh nghiệp… đều phải đổi mới”.

Học phí ở bậc ĐH là một loại chính sách công hết sức phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến chính sách chia sẻ chi phí của Nhà nước, hiệu quả của cả hệ thống, chất lượng đào tạo, công bằng xã hội… và cả truyền thống nền giáo dục ĐH đó. Những vấn đề này thường không có lời giải tốt nhất, do vậy cần có những cố gắng để tìm sự đồng thuận của xã hội.

Trên thế giới ngày nay, có hiện tượng phổ biến là khủng hoảng thiếu tài chính khi ĐH chuyển sang nền giáo dục cho số đông. Vì vậy, ngân sách nhà nước tính theo đầu sinh viên chỉ càng ngày càng thấp chứ không phải là “còn thấp”. Vì thế, tăng học phí là xu thế chung và Việt Nam cũng vậy.

Vấn đề cơ bản là bài toán “chia sẻ chi phí” như thế nào? Trong chi phí cho học ĐH thì Nhà nước gánh chịu bao nhiêu phần trăm, người học (sinh viên và gia đình) bao nhiêu phần trăm và cộng đồng (người sử dụng lao động, trường ĐH, các tổ chức xã hội…) bao nhiêu phần trăm. Các tỷ lệ này phải khác nhau cho giáo dục cơ bản hay giáo dục nghề nghiệp, khác nhau cho các đối tượng xã hội và khác nhau cho loại nghề nghiệp có “mức độ công cộng” cao hay thấp.

Với người học toán học cơ bản, dự báo động đất - những nghề có mức độ công cộng cao - Nhà nước nên gánh gần như toàn bộ chi phí. Ngược lại, người học quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin - những ngành nghề có thể trực tiếp đem lại lợi ích cá nhân nhiều hơn - người học nên gánh chịu phần lớn chi phí.

Với người nghèo có con học ĐH, phải mở rộng chính sách học bổng, không nên chỉ căn cứ vào thu nhập của nhóm 5-10% nghèo nhất để thiết kế chính sách học phí quốc gia.

(Trích từ cuốn Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam của giáo sư Phạm Phụ)

Nguồn: Phụ Nữ Online

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/kinh-te-luat-hoc-phi-a54121.html