Cây sầu đâu là một loại cây khá phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó thường được sử dụng để điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên việc sử dụng không đúng có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng. Vậy cây sầu đâu có tác dụng gì và được sử dụng như thế nào?
Cây sầu đâu còn được gọi là cây cứt chuột, hạt khổ sâm, nha đảm tử, chù mền, khổ luyện tử, san đực (Sầm Sơn), cứt cò (Vĩnh Linh), bạt bỉnh (Nghệ An). Tên khoa học của cây sầu đâu là Brucea javanica (L) Merr (Brucea sumatrana Roxb), thuộc họ thanh thất Simaruba-ceae.
Cây sầu đâu rừng cho vị nha đảm tử (Fructus Bruceae hay Brucea hoặc Semen Bruceae) còn được gọi là khổ luyện tử, khổ sâm hay quả xoan đâu rừng là quả khô của cây sầu đâu rừng.
Cần chú ý tránh nhầm lẫn quả sầu đâu với quả xoan Melia azedarach L. thuộc họ xoan (Meliaceae) được dùng để lấy gỗ làm nhà, vỏ rễ của cây này được dùng để trị giun, người dân cũng gọi quả xoan là khổ luyện tử.
Cây sầu đâu rừng là một cây nhỏ, cao khoảng 1,6 - 2,5m, thân cây yếu không thành gỗ và không to như cây xoan lấy gỗ làm nhà. Lá cây sầu đâu xẻ lông chim không đều, có 4 - 6 đôi lá chét. Hoa sầu đâu nhỏ khác gốc, mọc thành chùm xim.
Cây sầu đâu rừng thường mọc hoang ở nhiều nơi như là Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... đâu cũng có.
Quả sầu đâu chín được hái về phơi hay sấy khô, loại bỏ tạp chất, không cần phải chế biến gì khác. Quả sầu đâu khô có thể bảo quản hàng 10 năm gần như không hỏng và không giảm tác dụng. Mùa thu hái quả sầu đâu là từ tháng 8 đến tháng 12.
Theo Y Học Cổ Truyền, quả sầu đâu có vị đắng, tính hàn, đi vào kinh đại trường. Quả sầu đâu có tác dụng táo thấp, sát trùng, thường được dùng để chữa sốt rét, người tỳ vị hư nhược nôn mửa không được dùng.
Quả sầu đâu là một loại thuốc chữa bệnh lỵ đã được dùng lâu đời ở nhiều nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Ở nước ta vị thuốc sầu đâu được ghi với tên “xoan rừng” trong bộ Nam dược thần hiệu của cụ Tuệ Tĩnh (thế kỷ 17).
Cách sử dụng quả sầu đâu: Mỗi ngày dùng 10 - 14 quả, cũng có thể dùng tới 20 quả, đem tán nhỏ, làm thành viên 0,10g toàn quả hoặc 0,02g nhân đã khử dầu để uống. Uống liên tục trong 3 - 4 ngày cho đến một tuần lễ.
Các chuyên gia khuyên dùng chỉ uống trong 1 - 2 ngày là khỏi, nhưng nên uống liền trong 5 - 7 ngày cho bệnh hết hẳn. Có thể bỏ vỏ, và ép hết dầu vì dầu quả sầu đâu có tính chất kích thích, gây nôn và tiêu lỏng. Ngoài công dụng chữa lỵ, quả sầu đâu còn có tác dụng chữa tiêu lỏng, viêm ruột thừa và chữa sốt rét.
Có thể dùng quả sầu đâu dưới dạng thụt: Lấy 20 - 30 hạt quả sầu đâu giã nhỏ, ngâm vào 200ml dung dịch Natri bicarbonat 1% trong 1 - 2 giờ, sau đó lọc lấy nước để thụt giữ.
Tuy nhiên, nha đảm tử có độc, nếu uống quá liều có thể gây đau bụng, nôn mửa, kém ăn, người mệt. Khi thụt thì ít có hiện tượng ngộ độc hơn. Khi uống với liều như trên thường không xảy ra hiện tượng ngộ độc nào, hoặc chỉ khiến cho người bệnh nôn nao, buồn nôn, ngừng thuốc sẽ hết ngay.
Để điều trị sốt rét, mỗi lần uống 1g hạt sầu đâu, ngày uống 3 lần sau bữa ăn, uống liền 4 - 5 ngày.
Đối với trẻ em việc sử dụng hạt sầu đâu hoặc dầu để uống không an toàn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xảy gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng trong vòng vài giờ sau khi dùng dầu sầu đâu.
Dầu và vỏ cây sầu đâu không an toàn khi uống trong thai kỳ vì nó có thể gây sẩy thai.
Lá sầu đâu thường được sử dụng làm thuốc diệt côn trùng, sâu bọ. Lá sầu đâu không ăn được vì nó có thể gây nguy hiểm. Theo kinh nghiệm được truyền trong dân gian, thường đặt lá sầu đâu vào trong chum đựng gạo, các loại hạt ngũ cốc để tránh phát sinh nấm và sâu mọt.
Ngoài ra, một công dụng khác của lá sầu đâu ít người biết là gây sẩy thai. Chính vì vậy phụ nữ có thai cần đặc biệt cẩn trọng khi có ý định sử dụng lá sầu đâu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Link nội dung: https://pmil.edu.vn/trai-sau-dau-a50851.html