Vừng Ơi

Fatema Mernissi

(Tiêu đề của các phần và các mục do Vừng Ơi đặt)

Phần 1: Phương Tây Đọ Với Phương Đông

The harem dance, oil on canvas, 65 x 115 cm

The Harem Dance, Giulio Rosati

Rõ ràng là người phương Tây nhìn hậu cung như một đại tiệc truy hoan , nơi những người đàn ông được hưởng một phép màu thật sự: được nhận sự khoái lạc của tình dục mà không có bất kỳ kháng cự hay rắc rối nào từ những người phụ nữ mà họ đã hạ thấp thành nô lệ. Ngược lại, trong các hậu cung đạo Hồi, người đàn ông kỳ vọng các phụ nữ nô lệ của họ sẽ đánh trả một cách mãnh liệt và phá hoại những mưu đồ truỵ lạc của họ từ trong trứng nước. Những người phương Tây chủ yếu nhắc đến hình ảnh hậu cung được minh họa trong những bức tranh hay các bộ phim, trong khi tôi hình dung những lâu đài thật sự - những hậu cung được xây bằng các bức tường cao và những viên đá thật, bởi những người đàn ông hùng mạnh như các caliph*, sultan (ND: một danh hiệu tương tự như quốc vương) và những thương gia giàu có. Hậu cung của tôi gắn với một hiện thực lịch sử. Hậu cung của họ gắn với những hình ảnh nghệ thuật được tạo bởi các họa sĩ nổi tiếng như Ingres, Matisse, Delacroix, hoặc Picasso - những người đã hạ thấp phụ nữ thành các odalisque (một từ Thổ Nhĩ Kỳ dành cho nô lệ nữ) - hoặc bởi các nhà làm phim Hollywood, những người đã phác họa phụ nữ trong hậu cung như các vũ công múa bụng mặc trang phục khêu gợi luôn sẵn lòng được phục vụ những người đã mua họ. Một vài nhà báo còn nhắc tới những vở opera như Aida của Verdi hoặc những vở ballet như Scheherazade của Diaghilev. Nhưng trong bất cứ hình ảnh nào mà họ đề cập đến, các nhà báo luôn mô tả hậu cung như một vùng đất kỳ diệu, đầy hoan lạc và thấm đẫm tình dục nặng đô, tất thảy được cung phụng bởi những phụ nữ khỏa thân mong manh và vui vẻ chấp nhận bị giam lỏng.

“Đây đúng là một phép màu,” tôi thầm nghĩ khi đang lắng nghe các miêu tả của những người phương Tây. Các nghệ sĩ Hồi giáo nam thực tế hơn rất nhiều khi đến lúc hình dung hậu cung như một nguồn khơi dậy lạc thú tình dục. Ngay cả trong những vọng tưởng của họ, được biểu lộ qua những bức tiểu họa hay trong những truyền thuyết và văn chương, những người đàn ông Hồi giáo vẫn hiểu rằng phụ nữ có nhận thức cao về sự bất công như một tính chất hiển nhiên trong hệ thống hậu cung và vì vậy khó lòng mà đáp ứng những dục vọng của các chủ nhân một cách nhiệt tình.

Có nhiều triều đình Hồi giáo thuê các nghệ sĩ chuyên minh họa những quyển sách nghệ thuật với các bức tiểu họa. Những bức tranh không được treo trên tường hay trưng bày ở các viện bảo tàng mà được lưu giữ như một xa xỉ phẩm riêng tư, được tận hưởng bởi duy nhất người giàu và người có quyền lực và họ có thể chiêm nghiệm chúng bất kỳ lúc nào họ thích. Trái ngược với điều mà nhiều người phương Tây đã tin, đạo Hồi có một truyền thống phong phú về tranh thế tục đời thường, mặc cho sự cấm đoán đối với hình ảnh. Chỉ có trong những nghi lễ tôn giáo việc sử dụng hình ảnh mới bị cấm hoàn toàn. Tử thế kỷ 8 trở đi, các triều đại Hồi giáo đầu tư liên tục vào tranh thế tục. Các hoàng tử Umayyad đã trang trí ngôi nhà vui thú của họ tại Qusayr ‘Amra (nơi bây giờ là sa mạc Transjordan, gần Biển Chết) với những bức bích họa cực lớn, trong khi triều đại Safavid vảo thế kỷ mười sáu của Ba Tư nâng nghệ thuật vẽ tiểu họa lên đến đỉnh cao nhất. Đa số những bức tiểu họa vẽ về các truyền thuyết và những bài thơ tình, và đây là cơ hội cho cả nhà văn lẫn họa sĩ được bộc lộ những vọng tưởng về phụ nữ, tình yêu, đam mê - và rủi ro trong các điều đó.

Cả trong những bức tiểu họa lẫn văn chương. đàn ông Hồi giáo hình dung phụ nữ như những người tham gia chủ động, trong khi những nghệ sĩ phương Tây như Matisse, Ingres và Picasso lại cho thấy họ khỏa thân và bị động. Họa sĩ Hồi giáo tưởng tượng phụ nữ trong hậu cung cưỡi những con ngựa nhanh nhẹn, được vũ trang bằng cung và mũi tên và vận những chiếc áo khoác dày. Đàn ông đạo Hồi miêu tả phụ nữ trong hậu cung như những bạn tình không thể kiểm soát. Còn người phương Tây, như sau này tôi nhận ra, nhìn hậu cung như một khu vườn hoan lạc yên bình nơi những người đàn ông áp đặt quyền lực tối thượng lên các phụ nữ biết phục tùng. Trong khi đàn ông Hồi giáo mô tả bản thân bất an trong những hậu cung của chính mình, cả trong đời thực lẫn trong vọng tưởng thì đàn ông phương Tây mô tả bản thân như những anh hùng tự tin và không sợ nữ giới. Những khía cạnh bi kịch vẫn thường hiện diện trong những hậu cung đạo Hồi - nỗi sợ phụ nữ và sự tự ti của giới nam - đã không còn trong hậu cung Tây phương.

Những phóng viên nam nhiều lời nhất mà tôi gặp trong chuyến giới thiệu sách của mình là những người châu Âu đến từ Địa Trung Hải. Họ định nghĩa hậu cung, với tiếng cười đầy tà ý lẫn chê bôi, họ xem đó là “một chốn tuyệt vời nơi nhiều đàn bà đẹp sẵn sàng về mặt tình dục.” Mặt khác, nhiều người đàn ông Pháp tinh tế lại liên hệ hậu cung với những bức họa mô tả nhà thổ, như các bức của Henri de Toulouse-Lautrec (Au Salon de la rue des Moulins, 1894) và Edgar Degas (The Client, 1879). Đa số những người Scandinavia chỉ đỏ mặt và mỉm cười khi mới thoạt nghe đến cái từ “cấm kị” ấy, để tôi tự suy đoán rằng phép lịch sự và những quy tắc cư xử tốt yêu cầu họ tốt nhất nên tránh đi một vài đề tài tế nhị. Ngoại lệ đối với luật này là những người Đan Mạch. Họ cư xử gần giống với các đổng nghiệp Pháp và Ý - đầu tiên bung một tràng cười vui vẻ, sau đó, khi được một chút khuyến khích, đi rất sâu vào chi tiết về những tấm lụa thêu sang trọng mà các phụ nữ hậu cung mặc, mái tóc dài không chải chuốt và những tư thế nằm ngửa kiên nhẫn chờ đợi của họ.

Nhiều phóng viên người Mỹ miêu tả phụ nữ hậu cung như những nô lệ biết nhảy múa lấy cảm hứng từ Hollywood. Một người còn bắt đầu huýt sáo bài hát mà Elvis Presley, trong trang phục của một người Ả Rập, đã biểu diễn trong phim Harum Scarum (1965) khi anh xông vào nội cung giải cứu một giai nhân bị giam cầm (2).

Jim, một nhà báo Mỹ đang làm việc tại Paris và kiếm sống bằng cách viết về các bộ phim, đã dạy tôi một từ Hollywood dùng để gọi những cuốn phim phương Đông gợi dục mà tôi chưa từng nghe qua trước đó: “t và s.” Chữ t viết tắt cho “tits” (ND: tiếng lóng chỉ bầu vú) và chữ s cho “sand” (cát) (3). Khi chúng tôi đang nói chuyện, phiên bản Disney của Aladdin, xuất hiện vào năm 1992 - không lâu sau khi Chiến tranh vùng Vịnh kết thúc, được bàn đến và một phóng viên khác ngâm nga bài hát mở đầu của bô phim (4).

Trong khi những người Mỹ khác nhớ đến bản màn ảnh rộng của Aladdin and His Lamp hay Ali Baba and the Forty Thieves hoặc Kismet (1920), phát hành năm 1917 và 1918 bởi hãng Twentieth Century Fox, thì tâm trí những người đàn ông phương Tây lại dường như lưu dấu những phiên bản đa dạng của The Thief of Baghdad như một kiểu dấu ấn văn hóa. Vài người trích dẫn bản năm 1924 của Douglas Fairbanks, những người khác thì bản 1940 và những người khác nữa là bản 1961 của Pháp và Ý do Steve Reeves thủ vai. Bản truyền hình năm 1978, mà vị caliph của Baghdad không ai khác ngoài Peter Ustinov (ND: một người Anh đa tài. Ông không chỉ là diễn viên mà còn hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực giải trí khác) cũng được nhắc đến. Và một bác nhà báo già dẫn thêm The Sheik (1921) với diễn xuất của Rudolph Valentino trong khi vừa cười vừa vuốt ve một chòm râu quai nón tưởng tượng.

Khi tôi hình dung ra một hậu cung, tôi chỉ nghĩ đến một nơi đông đúc chật chội đến mức người này luôn theo dõi người kia. Trong các hậu cung Hồi giáo, ngay cả những đàn ông và phụ nữ đã cưới cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm một góc riêng tư để ve vuốt nhau. Đối với những phụ nữ đã cưới trong hậu cung, thỏa mãn tình dục là không thể vì họ phải chia sẻ người đàn ông của mình với hàng trăm “đồng nghiệp” bức bối khác. Vậy nên khi bạn suy xét một cách bình tĩnh về việc một hậu cung là thế nào, bạn sẽ thấy khoái lạc về mặt dục tính là một sự kỳ vọng hoàn toàn không thực tế. Ngay cả khi một người đàn ông tự giết mình tại trận và nhồi nhét đầy thuốc kích thích tình dục cho bản thân - một thành tố quan trọng trong văn hóa hậu cung - những biên niên sử của các triều đại cho thấy cả những chàng tình nhân ngốn thuốc nhiều nhất cũng chỉ có thể vượt sức mình một vài lần, và chỉ với người đàn bà duy nhất mà chàng yêu mến chừng nào mà ngọn lửa của chàng còn tiếp tục cháy. Trong khi đó, những người vợ và tình nhân khác phải sống trong sự bức bối không yên. Vậy, tôi tự hỏi, làm thế nào mà người đàn ông phương Tây lại có thể tạo nên được những hình ảnh về một chốn hậu cung thanh bình nhưng cũng đầy dục vọng như thế?

còn tiếp…

Người dịch: Vi Lê

Nguồn: Scheherazade Goes West

Chú thích:

2. Để biết thêm về bài hát này, đọc Ella Shohat, “Gender and Culture of Empire: Toward a Feminist Ethnography of the Cinema,” trong quyển Visions of the East: Orientalism in Films, Matthew Bernstein và Gaylyn Studlar đồng biên tập (Rutgers, N.J.: Rutgers University Press, 1997), trang 48

3. Để có thêm thông tin về “t” và “s,” xem cùng quyển sách trên, trang 11.

4. Tôi học được sau này, khi đọc mở đầu của Matthew Bernstein cho cuốn Visions of the East rằng bài hát trên đã là một chủ đề tranh cãi lớn giữa Công ty Disney và Hội đồng chống phân biệt chủng tộc Mỹ-Ả Rập. Hội đồng đã tấn công Disney vì tội định kiến phân biệt chủng tộc và thắng vụ này. Disney bị buộc phải đổi lời bài hát mà đã từng như sau “Tôi đến từ một vùng đất, một địa danh xa xôi, nơi họ cắt tai bạn, nếu họ không ưa mặt bạn.” Xem Bernstein, sách đã dẫn, trang 17, ghi chú 20.

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/san-tim-lac-thu-chon-hau-cung-a49085.html