Đề thi môn Hóa học "khó nhằn" hơn Vật lý, Sinh học

Học sinh Trần Mai Anh, trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết: Đề Vật lý có độ khó tương đương năm ngoái, môn Sinh có nhiều câu hỏi ứng dụng và liên hệ thực tế, trong khi đề thi môn Hóa học vẫn có nhiều câu hỏi rất “khó nhằn”.

Tỷ lệ các câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 không nhiều, chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12. Với đề thi này, học sinh có học lực trung bình có thể đủ điểm tốt nghiệp, học sinh khá trở lên có thể đạt điểm 7-8 nhưng điểm tuyệt đối sẽ không nhiều.

Thí sinh hoàn thành bài thi Khoa học tự nhiên trong sáng 26-6.

Nhận xét cụ thể về đề thi môn Vật lý, thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Vật lý của Tuyen sinh247.com cho biết: Đề gồm 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu). Trong đó, vẫn có khoảng với 60% cơ bản và 40% mang tính phân loại. Câu hỏi trắc nghiệm định tính (Lý thuyết) hơn 30% .

Câu hỏi không còn “đánh đố” học sinh bởi sự khó khăn về toán học hay mất thời gian dài để giải. Các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lí sâu sắc như kiến thức liên quan đến thực tiễn (ứng dụng phản xạ toàn phần trong sợi cáp quang), ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị về dao động cơ và dòng điện xoay chiều, đặc biệt có 1 câu lạ về máy biến thế và 1 câu lạ về đồ thị về dòng điện xoay chiều.

Nhìn chung đề thi năm nay ở mức độ dễ thở, phân loại cao... học sinh dễ dàng đạt điểm tốt nghiệp THPT. Dự kiến, phổ điểm chủ yếu sẽ tầm 5 đến 7 điểm; số điểm 10 tuyệt đối năm nay vẫn không nhiều.

Về đề thi môn Sinh học, Tổ giáo viên Sinh học của Tuyensinh247.com cho biết: Đề thi môn Sinh học năm nay được đánh giá là “vừa sức” hơn so với đề năm 2018. Phổ điểm sẽ rơi vào khoảng 4 - 6 điểm. Nội dung thi nằm trong 3 lớp THPT, trong đó chương trình lớp 12 có 35 câu, chiếm 8,75 điểm, các câu hỏi thuộc lớp 10, 11 đều ở mức nhận biết và thông hiểu. Đề thi có sự phân hoá mạnh từ câu 105 độ khó tăng lên đáng kể, phù hợp với xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.

“Trái với năm 2018, đề thi môn Sinh năm 2019 không quá nặng về tính toán mà thiên về tư duy, cần học sinh vận dụng kiến thức. Học sinh dễ đạt được mức 5 điểm, học sinh khá, giỏi sẽ làm tốt tới câu 104 để có thể đạt điểm 8, 9,10”-giáo viên tổ Sinh học nhận định.

Còn theo nhận xét của thầy Trần Phương Duy, giáo viên trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), đề Hóa học năm nay khá hay, bám sát theo chương trình THPT hiện hành, có thể đáp ứng khá tốt 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp và lấy điểm phục vụ tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Tuy vậy, nếu so với đề thi năm 2018, có thể thấy đề thi năm nay có độ khó nhỉnh hơn so với năm học trước.

Các câu hỏi từ 41 đến 67 học sinh có thể giải quyết khá dễ dàng với việc nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, câu hỏi 68 có cách tiếp cận mới bằng bảng biểu. Các câu hỏi khá đơn giản ở quãng từ câu 67 đỗ lại, từ câu 74 đến hết, yêu cầu vận dụng cao. Để đạt được điểm cao học sinh cần có sự sâu chuỗi kiến thức theo chiều sâu, biết vận dụng linh hoạt các phương pháp giải toán cũng như kỹ năng linh hoạt trong quá trình luyện thi.

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/ly-hay-hoa-kho-hon-a45864.html