Tháng Giêng với sức sống của mùa Xuân

Chồi non lộc biếc

Bác Hồ từng nói : “Một năm khởi đầu bằng mùa Xuân. Cuộc đời khởi đầu bằng tuổi trẻ”. Tháng Giêng lại là tháng đầu tiên của mùa Xuân, tức là tháng mở đầu một năm mới.

Không riêng gì người Việt Nam mà khắp các dân tộc trên thế giới, mọi người đều chờ đón tháng mở đầu của năm với những chờ mong, háo hức lạ thường. Ai cũng muốn rằng cái mới lạ đổi thay về thời gian tạo hoá cũng sẽ đem lại những điều mới mẻ, tốt lành, may mắn cho con người và cho xã hội.

Dân gian ta thường nói: Tháng Giêng ăn Tết ở nhà / Quê hương làng xóm, ông bà tổ tiên (ca dao). Tết Nguyên đán trong tháng Giêng như một lời nhắc nhở, mời gọi mọi người con dù ở xa đến mấy cũng về sum họp gia đình nơi quê cha đất tổ.

Không khí đón xuân lan toả khắp mọi gia đình với một hương vị ấm cúng của thiên nhiên trời đất, nhất là thời tiết đã ở độ cuối đông và chuyển sang xuân tuy còn se lạnh nhưng đang ấm dần:

Sang Giêng Hai lất phất mưa phùn (Nguyễn Trọng Tạo)

Tháng Giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân (Tục ngữ)

“Rét đài và rét lộc” trong câu tục ngữ trên ngụ ý rằng, thời tiết trong khoảng thời gian này quả là lý tưởng cho cây cối đâm chồi nảy lộc, dù còn đang cữ rét. Cảnh vật đều vui, đều phơi phới, con người cũng hoà theo niềm vui đó bằng các cuộc thăm viếng, trảy hội.

Có lẽ số hội hè đình đám, vui chơi ở khắp mọi miền đất nước ta tập trung vào tháng Giêng nhiều nhất: Tháng Giêng là tháng ăn chơi; Tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc / Hội làng mình vang tiếng chiêng khua (ca dao)...

Đó là một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mang đậm tính cộng đồng của người Việt và ngày nay vẫn còn in đậm trong các lễ hội dân gian ...

Nhưng tháng Giêng không chỉ có ăn chơi và không chỉ để ăn chơi. Đấy chỉ là một mặt thể hiện của phong tục dân gian vào dịp đầu năm sau những tháng ngày lo toan vất vả.

Cái đẹp đáng nói của nhân dân ta là thái độ tích cực, ý thức trách nhiệm đối với sự lao động siêng năng cần có để làm đẹp cho đời. Ăn Tết là cần, nhưng có chừng mực, “Ăn như ba ngày Tết lấy gì mà ăn (tục ngữ)”. Dân gian biết thưởng thức cuộc sống nhưng cũng không quên trách nhiệm chính yếu cần phải nhắc nhở mọi người: Tháng Giêng chân bước đi cày/Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng (ca dao). Tức là tháng Giêng người nông dân Việt Nam đã ra ruộng đồng, bắt đầu công việc làm ăn đầu năm mới.

Tháng Giêng là sự tiếp nối không ngừng theo mạch thời gian của một năm, như một chu kì nông nghiệp được tổng kết rất rõ ràng: Tháng Chạp là tháng trồng khoai/Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà/Tháng Ba cày vỡ ruộng ra/Tháng Tư gieo mạ thuận hoà mọi nơi ... (ca dao).

Mưa phùn tháng Giêng báo hiệu thời tiết đang độ ấm, phù hợp với sự phát triển của cây cối. Lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, cà... bắt đầu vào vụ. Và các cô gái làng trẻ trung, duyên dáng cũng theo các thợ cày ra ruộng. Họ có tâm trạng thật háo hức: Tháng Giêng này chúng em vào hội/Hội làng mình cấy lúa theo mưa (dân ca Bắc Bộ).

Quả là một không khí lao động tấp nập, khẩn trương và đẹp như một bức tranh xuân đa sắc màu nhưng rất hiện thực, gần gũi. Qua lao động, con người mới thể hiện và khẳng định được giá trị thực của mình. Và trong sự cố gắng hết sức gian khó đó, mọi sinh hoạt, phong tục, lễ hội mới hình thành và phát triển theo tín ngưỡng phồn thực dân gian.

Hội cờ mùa Xuân. Ảnh: thongtindulichvietnam.com

Tháng Giêng trong các vần thơ xưa và nay đã hiện lên một cách hết sức ấn tượng. Nó thể hiện một cái gì vừa tươi mới, vừa đẹp và tràn đầy sức sống. Sức sống đó đã vốn xuất phát từ đất trời, thiên nhiên, nhưng điều ý nghĩa hơn cả là nó lại bắt nguồn từ sự sáng tạo của bàn tay siêng năng, khối óc của con người. Chính con người góp phần làm nên một tháng Giêng giàu sức sống : Tháng Giêng chạng vạng mặt người/Trường em ngói đỏ tiếng cười trong sương/Cá rô rí rách bờ mương/Nón ai thấp thoáng trên đường chao nghiêng (Trần Hoà Bình).

Những vần thơ viết về tháng Giêng dĩ nhiên là còn rất nhiều. Nhưng chỉ cần điểm qua một đôi bài, chúng ta cũng đã hình dung ra một tháng Giêng ngọt ngào, mới lạ, tinh khôi và nhiều ý nghĩa trong tư duy, ẩn tàng sâu kín trong tiềm thức của dân tộc Việt Nam đã có từ ngàn xưa.

Dù chúng ta đang sống trong thời đại mới, nhưng dư âm của vẻ đẹp tháng Giêng vẫn còn vang mãi, còn lan toả trong những áng thơ văn như biểu tượng của sức sống mới.

Tháng Giêng năm nay -2011, chúng ta lại vừa đón chào thành công rực rỡ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với một khí thế mới. Cả dân tộc bước vào thiên niên kỷ thứ 2 của thế kỉ 21 với một tinh thần mới từ tháng Giêng đáng nhớ này.

Phạm Văn Tình

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/thang-1-la-mua-gi-a32383.html