“ Di tích lịch sử Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình chiểu (Lăng, mộ Nguyễn Đình Chiểu” hành trình về địa chỉ đỏ của Tuổi trẻ huyện

Trong chuỗi hoạt động Tháng Thanh niên năm 2024, Huyện đoàn tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ tại khu di tích Lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Ngay khi đến khu di tích, đoàn tổ chức dâng hương tại đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, đoàn được nghe thuyết minh và tham quan thực tế về quá trình hoạt động của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 01/7/1822, tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP.HCM). Ông thi đỗ tú tài năm 1843. Đến năm 1849 đang ở Huế chờ khoa thi Hội, được tin mẹ mất ông về chịu tang, vì khóc thương mẹ nên 2 mắt bị mù. Sau đó ông mở trường dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn. Năm 1859 khi giặc Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tại đây ông viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, thống thiết ca ngợi tinh thần anh dũng hy sinh vì Tổ quốc của những người nông dân bình thường.

hành trình về địa chỉ đỏ của Tuổi trẻ huyện 1.jpg

Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần rèn luyện, giáo dục cho đoàn viên thanh niên về truyền thống cách mạng của quê hương, dân tộc

Năm 1862, ông dời về ở làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước, trước mọi thủ đoạn mua chuộc ông vẫn cương quyết không hợp tác với giặc, tiếp tục dùng thơ văn làm vũ khí góp phần động viên cổ vũ nhân dân chống giặc. Ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (tức ngày 03/7/1888), Nguyễn Đình Chiểu qua đời, nhân dân Ba Tri cùng với bạn bè, học trò, con cháu đến tiễn đưa ông rất đông. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ-Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định,… những tác phẩm của ông không chỉ ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân ở thời kỳ ấy mà còn lưu dấu cho tới tận bây giờ. Chính sự tài năng và ý chí vươn lên, ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bằng ngòi bút sắc bén, những áng thơ văn của ông tố cáo tội ác của giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân.

Sau khi dâng hương và nghe về lịch sử hoạt động của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đoàn đi tham quan thực tế quanh Lăng mộ. Đây là một quần thể kiến trúc bề thế tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972. Công trình bao gồm: cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ. Các công trình của khu di tích được bố trí hài hòa trong một không gian xanh với những khoảng sân vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh, đem lại cảm giác thư thái cho người thăm viếng.

Năm 1990, Lăng, mộ Nguyễn đình Chiểu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

hành trình về địa chỉ đỏ của Tuổi trẻ huyện 2.jpg

Khu di tích này tiếp tục được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt

Đến thăm khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu nghe kể lại những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và ngâm nga câu thơ của cụ Đồ Chiểu, không ít du khách lại có cảm giác bâng khuâng, tựa hồ nghe tiếng lòng nặng tình non nước của bậc tiền nhân tài đức ngàn xưa vọng về. Bí thư Đoàn TNCS Công an huyện, Nguyễn Văn Điền Anh và Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Bắc Hòa Hà Thị Ngọc Nguyên, chia sẻ: "Đối với tôi mỗi địa chỉ là một hình tượng sống động giúp thế hệ trẻ cảm nhận rõ hơn và thực tế hơn về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ, người dân năm xưa, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước. Qua chuyến đi này đã mang đến cho bản thân nhiều cảm nhận và học hỏi được rất nhiều điều. Qua đó, giúp tôi có động lực ra sức học tập xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp; không ngại gian khó, xung kích, cống hiến sức trẻ với tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

Trong những năm qua, Huyện đoàn Tân Thạnh đã tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Qua đó đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ; thể hiện hình ảnh đẹp của màu áo xanh trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bí thư Huyện đoàn Tân Thạnh, Bùi Thị Thúy An, chia sẻ: "Hành trình tìm về địa chỉ đỏ là một hoạt động thường niên của Tuổi trẻ huyện Tân Thạnh, với mong muốn khơi dậy cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đức anh dũng, hy sinh. Đây chính là động lực để mỗi đoàn viên thanh niên phát huy truyền thống dân tộc, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ".

Trong chuyến hành trình, đoàn công tác đã được bồi dưỡng thêm rất nhiều kiến thức về lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc, đã có thể trả lời được câu hỏi "Tại sao một đất nước nhỏ bé lại có thể chiến thắng được mọi kẻ thù xâm lược trên thế giới", đó là vì dân tộc chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có những con người phi thường như Bác Hồ lãnh đạo đất nước và có một dân tộc mạnh mẽ, đoàn kết gắn bó không chịu khuất phục trước bất kỳ một kẻ thù xâm lược nào. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần rèn luyện, giáo dục cho đoàn viên thanh niên hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, dân tộc từ đó bồi đắp cho đoàn viên tình yêu đất nước, lòng tự hào, tự tôn về dân tộc Việt Nam.

Đây là một chương trình ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), qua đó, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên trong thời đại mới./.

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/lang-mo-nguyen-dinh-chieu-a32246.html