Bảo vệ môi trường

Theo Unicef, Covid-19 là một bệnh đường hô hấp truyền nhiễm do một loại coronavirus có tên là SARS-CoV-2 gây ra. ‘CO’ là viết tắt của corona, ‘VI’ là vi rút và ‘D’ là bệnh. Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, nó có thể gây ra cho người nhiễm bệnh các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Và cũng có thể nghiêm trọng hơn đối với một số người, dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở và suy nội tạng, nguy hiểm hơn có thể sẽ khiến người bệnh tử vong. Người già và những người mắc bệnh nền từ trước có vẻ dễ bị nhiễm virus nặng hơn. Theo thống kê kể từ khi bùng phát vào cuối tháng 12/2019, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4,9 triệu người trên thế giới, trong khi gần 242 triệu trường hợp đã mắc bệnh. Một con số đáng báo động!

Đại dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng nhất định mang tính chất tích cực và tiêu cực đến môi trường. Dịch bệnh càng làm rõ nét tác động tích cực đến môi trường một cách chân thật nhất. Khi đại dịch mới xảy ra, chất lượng môi trường dần được cải thiện như không khí sạch hơn, nghe thấy tiếng chim hót thay vì âm thanh ầm ĩ của xe cộ khi các thành phố áp đặt lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội… Do tác động của đại dịch đối với du lịch và công nghiệp, nhiều khu vực trên Trái Đất đã giảm ô nhiễm không khí đáng kể, giảm cả biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, so sánh kết quả chất lượng không khí tại các đô thị miền Bắc từ tháng 1-4/2020, trong đó có thời gian thực hiện cách ly xã hội cho thấy, sự thay đổi các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người là nguyên nhân quan trọng làm thay đổi chất lượng không khí. So với cùng thời gian của những năm trước, chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn, kể từ khi con người giảm bớt di chuyển không cần thiết do dịch Covid-19 đã góp phần vào sự sụt giảm đáng kể khí carbon dioxide, methane, và lượng khí thải carbon monoxide. Điều này cũng cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị. Một nghiên cứu được công bố cho thấy lượng khí thải carbon toàn cầu hàng ngày trong giai đoạn phong tỏa đã giảm và có thể dẫn đến lượng khí thải carbon hàng năm giảm theo đáng kể, đó sẽ là sự sụt giảm lớn nhất theo các nhà nghiên cứu. Họ gán cho những sụt giảm này chủ yếu là do giảm các hoạt động sử dụng và công nghiệp vận chuyển mà nguyên do trực tiếp là bởi đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở hầu hết các nước nên hoạt động du lịch bị ngưng lại, bãi biển trở nên vắng người, sạch hơn, rác thải ở các điểm du lịch cũng giảm mạnh. Tiếng ồn ở đô thị và các điểm công cộng cũng giảm do người dân không được tập trung, hoạt động buôn bán bị dừng lại, xe cộ bị hạn chế lưu thông.

Tuy nhiên, dù Covid-19 tác động một cách tích cực cho môi trường nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng môi trường vẫn đang phải chịu những tác động tiêu cực cũng chính từ đại dịch này. Thực trạng là chất thải ra môi trường gia tăng làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,… Do việc sử dụng khẩu trang dùng một lần cao chưa từng có, một số lượng đáng kể khẩu trang đã bị vứt bỏ vào môi trường tự nhiên, làm tăng thêm gánh nặng rác thải nhựa trên toàn thế giới. Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng nhựa trong y tế đã tăng lên đáng kể ở một số quốc gia. Bên cạnh thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn, việc sử dụng nhựa tăng lên đáng kể liên quan đến yêu cầu đóng gói và các mặt hàng sử dụng một lần. Nói chung, những thay đổi này trong bệnh viện và trong cuộc sống hàng ngày có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường bắt nguồn từ chất dẻo, vốn đã tồn tại ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Tại Việt Nam, chất thải y tế tăng lên rất mạnh, tại các bệnh viện tăng 2-4 lần do tăng trang phục, khẩu trang, găng tay cùng với nhiều trang thiết bị, bơm kim tiêm, dây chuyền dịch, thuốc men. Chỉ tính riêng Hải Dương, khối lượng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đã thu gom từ khi xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 ngày 27/1-20/2/2021 là 304,856 tấn. Người dân được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường làm tăng lượng rác thải. Nhiều khu cách ly với hàng chục nghìn người được cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng, chủ yếu là Chloramin B, cũng rất độc hại cho môi trường. Để bảo đảm an toàn, nhiều khu cách ly, bệnh viện, khu xử lý chất thải đô thị đã sử dụng biện pháp đốt chất thải y tế, dẫn đến ô nhiễm không khí. Có thể thấy rằng dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tiêu cực đến môi trường từ những vật dụng, dụng cụ mà con người sử dụng để chống lại chính “kẻ thù” nguy hiểm này.

Hiện nay, diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo theo đó là những tác động trực tiếp đến môi trường của chúng ta. Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến vấn đề môi trường, tích cực tổ chức và phát động các hoạt động giáo dục cho sinh viên ý thức bảo vệ môi trường, hưởng ứng lối sống xanh,… Trước tình hình hiện nay, Trường càng đặc biệt quan tâm đến vấn đề về môi trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tập trung phân tích thực trạng và những tác động đối với môi trường. Trường cũng đã có nhiều hình thức kết hợp việc tuyên truyền bảo vệ môi trường đa dạng khuyến khích các bạn sinh viên hưởng ứng để bảo vệ môi trường trước nhiều tác động từ dịch bệnh. Câu lạc bộ OU Green Plus thuộc Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, ý thức bảo vệ môi trường trong mùa dịch bệnh bằng những hình thức thu hút người đọc, dễ tiếp cận và dễ tìm hiểu. Trong đó phải kể đến góc kêu gọi “Hạn chế túi nilon là bảo vệ môi trường”, “Môi trường hiện nay-thực trạng và giải pháp”, các bài viết “Bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ sự sống”,… Ngoài ra CLB luôn tích cực phát động các cuộc thi trực tuyến như “Cuộc thi thiết kế poster Global warming is a bad warning”, tổ chức các minigame lồng ghép những thông điệp ý nghĩa về môi trường, đăng tải nhiều nội dung bổ ích để nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người về việc bảo vệ môi trường. Với tất cả những hoạt động đó, CLB OU Green Plus nói riêng và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nói chung mong muốn góp phần bảo vệ môi trường trước những tác động của “đại dịch toàn cầu” bằng những hình thức linh hoạt, đa dạng nhưng mang đầy đủ ý nghĩa truyền tải đến cho không chỉ sinh viên mà còn đối với cộng đồng xã hội. Bởi lẽ, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính sự sống của chúng ta, nếu môi trường bị hủy hoại thì chúng ta cũng không thể nào tồn tại. Hơn thế, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe con người mà còn mang đến những “nguy cơ” cho môi trường của chúng ta bởi hàng loạt “sự tiêu cực”. Hi vọng rằng dịch bệnh qua đi trả lại cuộc sống bình thường và cả môi trường “xanh-sạch-đẹp” cho chúng ta, môi trường có trong sạch thì sức khoẻ, cuộc sống của chúng ta mới lâu dài và bền vững.

Hải Âu

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/hau-qua-cua-covid-de-lai-a32062.html