TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG CHUYÊN CANHVới điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Việt Nam có khá nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả lớn. Trong đó, khu vực Nam Bộ được đánh giá là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nam Bộ hiện có trên 400.000 ha cây ăn quả, cho sản lượng hơn 4 triệu tấn/năm (chiếm 52,6% diện tích và 57,41% về sản lượng so với cả nước). Trong đó, các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp có diện tích trồng lớn nhất toàn khu vực. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều nhà vườn áp dụng mô hình kĩ thuật sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam) và GlobalGAP (Global Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) để tạo ra những loại trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao như: bưởi Năm Roi, thanh long Hoàng Hậu, bưởi Tân Triều, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc...

Đặc sản thanh long Hoàng Hậu ở chợ nổi Phụng Hiệp (Cần Thơ). Ảnh: Trọng Chính Vườn bưởi da xanh ở Nam Bộ. Ảnh: Minh Quốc Phiên chợ trái cây tại Lễ hội trái cây Nam Bộ 2011. Ảnh: Nguyễn Luân Đặc sản trái cây Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân Đặc sản trái cây Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân Đặc sản trái cây Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân Dâu Cái Tàu, đặc sản nổi tiếng của vùng đất U Minh (Cà Mau). Ảnh: Minh Quốc Đặc sản vải thiều Bắc Giang. Ảnh: An Thành Đạt Vải thiều Bắc Giang được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ảnh: An Thành Đạt

Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích cây ăn trái khu vực Nam Bộ sẽ đạt từ 418.000-438.000ha, cho sản lượng hơn 5 triệu tấn/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu quả tươi và các sản phẩm qua chế biến đạt 500 triệu USD/năm. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương đang đẩy mạnh công tác quảng bá và phát triển các vùng chuyên canh lớn theo lối sản xuất hàng hóa bằng những mô hình phát triển bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Theo đó, mỗi địa phương sẽ chú trọng vấn đề sản xuất theo hướng an toàn sinh học và tập trung phát triển những giống cây chủ lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng hơn 900 nghìn ha, sản lượng khoảng 10 triệu tấn; trong đó diện tích cây ăn quả phục vụ xuất khẩu khoảng 255 nghìn ha, sản lượng quả xuất khẩu ước đạt hơn 400 nghìn tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 300 triệu USD/năm. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,1 triệu ha, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD/năm.

Đặc biệt, để đẩy mạnh khả năng thâm nhập thị trường, các nhà vườn cũng như các nhà quản lí ở Nam Bộ đã thực hiện nhiều hình thức quảng bá khác nhau. Điển hình như lễ hội trái cây Nam Bộ. Đây là một sự kiện lớn thường niên được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Đến nay, lễ hội này đã tổ chức được 16 lần. Với sức thu hút lớn, lễ hội trái cây Nam Bộ hiện đang trở thành một diễn đàn hiệu quả để các nhà vườn, nhà khoa học và nhà quản lí có điều kiện quảng bá, giới thiệu những thành tựu cũng như tìm kiếm mở rộng thị trường. Không sôi động như thị trường miền Nam, nhưng thị trường hoa quả miền Bắc cũng có thế mạnh riêng. Ví dụ, vải thiều từ lâu đã trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng Bắc Giang, Hải Dương. Trong đó, Bắc Giang có hơn 40.000ha trồng vải, chiếm đến 80% diện tích nông sản toàn tỉnh. Năm 2011, sản lượng vải thiều của Bắc Giang ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi. Riêng huyện Lục Ngạn đạt khoảng 90 nghìn tấn. Theo ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, vải thiều tiếp tục là cây trồng chủ lực của Bắc Giang. Mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đã được nhân rộng lên 6000ha, riêng Lục Ngạn có 5.700 ha (tăng 1.700 ha so với vụ trước). Hiện nay, thị trường tiêu thụ của vải thiều ở trong nước chiếm 40%, còn lại là dành cho xuất khẩu. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, vải thiều Lục Ngạn còn được xuất sang Lào, Campuchia, và đang từng bước tiến dần vào các thị trường khó tính hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật. ĐẨY MẠNH CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN ĐỂ TẠO HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào và có giá trị xuất khẩu cao, nhiều doanh nghiệp chế biến hoa quả trong nước đã không bỏ lỡ cơ hội, đầu tư công nghệ, kĩ thuật, nhân lực vào việc chế biến, xuất khẩu các loại quả ra thị trường thế giới. Hiện nay, ngoài việc xuất khẩu trái cây ở dạng tươi, các doanh nghiệp chế biến hoa quả trong nước đã và đang tiến hành nghiên cứu sản xuất ra nhiều chủng loại sản phẩm hoa quả đã qua chế biến để phục vụ thị trường như: các loại quả sấy khô, sấy dẻo, muối, đông lạnh, quả tươi đóng hộp, nước ép hoa quả, các loại rượu trái cây…

Kiểm tra chất lượng vải thiều bằng thiết bị hiện đại. Ảnh: An Thành Đạt Nghiên cứu phương pháp bảo quản hoa quả tươi. Ảnh: An Thành Đạt Chế biến sấu tươi để làm sản phẩm sấu ngâm đường. Ảnh: An Thành Đạt Đóng gói sản phẩm mận sấy dẻo. Ảnh: An Thành Đạt Dây chuyền đóng nhãn sản phẩm hoa quả chế biến. Ảnh: An Thành Đạt Dây chuyền đóng chai rượu mơ của Công ty Sannam. Ảnh: An Thành Đạt Kho bảo quản sản phẩm hoa quả chế biến của Công ty Sannam. Ảnh: An Thành Đạt Sản phẩm đu đủ sấy dẻo đóng gói của Công ty Sannam. Ảnh: An Thành Đạt

Điển hình cho hướng đi này có Nhà máy Sannamfood Hòa Bình thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Sannam. Đơn vị này phát triển theo hướng tập trung khai thác nguồn nguyên liệu từ các vùng nguyên liệu sẵn có và ổn định ở trong nước để sản xuất ra các loại sản phẩm hoa quả chế biến theo nhu cầu của thị trường. Anh Trương Minh Hoàng, Giám đốc Nhà máy Sannamfood Hòa Bình cho biết, mùa nào thức nấy, hết mùa mận lại đến mùa dứa, mùa mơ, mùa xoài… Thông thường, cứ đến vụ thu hoạch rộ, tức là lúc trái cây chín tới, có hàm lượng đường cao nhất, mẫu mã đẹp nhất… thì cũng là lúc Nhà máy vào vụ sản xuất chính. Hôm chúng tôi đến, đúng vào thời điểm mận ở Mộc Châu (Sơn La) đang vào vụ thu hoạch chính, cho nên toàn bộ dây chuyền chế biến của Nhà máy được huy động hết công suất để làm sản phẩm mận sấy dẻo. Hiện tại, Nhà máy đang tận dụng các vùng nguyên liệu sẵn có như mận Mộc Châu (Sơn La), xoài (miền Nam), dứa (Ba Vì), mơ (Bắc Kạn) để làm ra nhiều loại sản phẩm trái cây khô sấy dẻo mà thị trường đang ưa chuộng như: xoài, dứa, đu đủ, mận, mơ, khế chuối... Một trong những yêu cầu mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp chế biến hoa quả, đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, mọi quy trình chế biến ở Sannamfood Hòa Bình đều được thực hiện và kiểm tra rất khắt khe. Nguyên liệu được thu gom phải có nguồn gốc rõ ràng. Các loại quả phải đạt chất lượng về màu sắc, độ chín, không dập nát. Quy trình chế biến khép kín bao gồm từ đầu vào cho đến đầu ra đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points - Tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về an toàn thực phẩm áp dụng cho các sản phẩm rau quả chế biến). Theo thống kê, vào năm 2010, cả nước có khoảng 60 cơ sở, nhà máy chế biến bảo quản rau quả quy mô công nghiệp và hàng chục ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ theo mô hình hộ gia đình. Theo dự tính, số lượng các cơ sở chế biến hoa quả có thể sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới, nhất là khi các mô hình trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung được phát triển mạnh trên khắp cả nước. Đây chính là cơ sở vững chắc để ngành chế biến hoa quả Việt Nam có thể đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao được giá trị lợi nhuận. Nếu như nguồn nguyên liệu được xem là khâu đầu tiên, việc chế biến bảo quản tại các nhà máy là khâu cuối cùng, thì công tác nghiên cứu công nghệ chế biến được xem là khâu trung gian nhưng không kém phần quan trọng trong chuỗi công nghiệp chế biến trái cây. Theo TS Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Bộ môn Bảo quản Chế biến thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương cho biết, cùng với sự phát triển về kinh tế, các sản phẩm hoa quả tươi chế biến ngày càng phổ biến trên thị trường bởi nó đáp ứng được nhiều yêu cầu, ví dụ như tính tiện dụng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể bảo quản được lâu, phong phú, đa dạng về mặt chủng loại và hương vị, đặc biệt là giảm thiểu được khối lượng và giá thành vận chuyển. Cũng theo TS Nguyễn Thị Hằng, trong tương lai, ngành chế biến hoa quả hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng ở nước ta. Chính vì vậy, công nghệ bảo quản và chế biến hoa quả tươi cũng chính là một trong những mục tiêu nghiên cứu hàng đầu mà Bộ môn Bảo quản Chế biến đang hướng đến, nhằm góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu cho các loại trái cây giàu tiềm năng của Việt Nam./.

Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt, Trọng Chính, Minh Quốc, Nguyễn Luân

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/trai-cay-viet-nam-a31841.html