Hiểu về công việc Quản trị hệ thống

Quản trị hệ thống là một trong những công việc quan trọng ở lĩnh vực Công nghệ thông tin. Trong bối cảnh thời đại kỹ thuật số, việc quản lý tốt các hệ thống sẽ giúp cho doanh nghiệp tối ưu được hiệu quả kinh doanh. Do đó, công việc trong lĩnh vực này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thiết thực của thị trường. Hãy cùng Techie tìm hiểu cụ thể hơn về công việc này nhé!

Quản trị hệ thống là gì?

Quản trị hệ thống (System Administration) là quá trình quản lý, cấu hình và bảo trì hệ thống máy tính. Công việc của một quản trị viên hệ thống có sự kết hợp giữa hai lĩnh vực: công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Bởi, người quản lý hệ thống cần nghiên cứu về mối quan hệ giữa hoạt động của doanh nghiệp với hệ thống thông tin. Từ đó, đưa ra quyết định về việc áp dụng hệ thống phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

Vì sao cần quản trị hệ thống?

Sự ra đời của quản trị hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành hệ thống công nghệ kỹ thuật của tổ chức. Chẳng hạn như các hệ thống phần mềm, website, ứng dụng và cơ sở dữ liệu… Việc quản lý tốt hệ thống sẽ đảm bảo được các yếu tố sau:

Tính khả dụng và tin cậy của hệ thống

Hiện nay, hệ thống máy tính là cốt lõi của hầu hết mọi hoạt động kinh doanh. Nếu hệ thống không hoạt động hiệu quả hoặc gặp sự cố, hoạt động của tổ chức có thể bị gián đoạn. Lĩnh vực này nhằm đảm bảo rằng hệ thống máy tính hoạt động liên tục, khả dụng và đáng tin cậy.

Bảo mật và bảo vệ dữ liệu

Dữ liệu là tài sản quan trọng, đóng vai trò chiến lược với nhiều tổ chức. Nếu bị đánh cắp hay tấn công, nó có thể gây ra rủi ro rất lớn. Một trong những nhiệm vụ chính trong quản lý hệ thống chính là bảo mật và giữ an toàn cho dữ liệu.

Quản lý tài nguyên

Tài nguyên hệ thống, bao gồm phần cứng, phần mềm và mạng, là những tài sản quan trọng của công ty. Quản trị hệ thống đảm bảo rằng các tài nguyên này được quản lý tốt để đảm bảo tính khả dụng của chúng.

Công việc quản trị hệ thống đóng vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức
Công việc quản trị hệ thống đóng vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức

Hỗ trợ người dùng

Người dùng ở đây chỉ những người sử dụng hệ thống máy tính để làm việc trong doanh nghiệp. Quản trị viên hệ thống sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho người dùng, giúp họ giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hệ thống.

Tối ưu hóa hiệu suất

Hệ thống công nghệ kỹ thuật của tổ chức càng có hiệu suất tốt, hiệu quả công việc càng cao. Đây cũng là mục đích mà quản trị hệ thống hướng đến. Đó là đưa ra các cải tiến, thay đổi để tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống.

Nhiệm vụ của chuyên viên quản trị hệ thống

Tương ứng với tầm quan trọng của công việc quản trị hệ thống vừa đề cập bên trên, chuyên viên hệ thống sẽ giữ các nhiệm vụ sau:

- Quản lý và bảo trì hệ thống máy tính, đảm bảo cho hệ thống hoạt động ổn định và hiệu quả.

- Cài đặt và cấu hình phần mềm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tổ chức.

- Đảm bảo các yếu tố bảo mật và an ninh mạng.

- Giám sát và bảo trì hệ thống mạng.

- Bảo vệ dữ liệu; khôi phục và sao lưu dữ liệu khi cần thiết.

- Hỗ trợ người dùng các vấn đề liên quan đến hệ thống.

- Nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa hiệu suất và đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tổ chức.

Nhìn chung, tùy vào đặc thù mỗi doanh nghiệp, nhiệm vụ của chuyên viên hệ thống có thể không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, mục tiêu chung vẫn sẽ là tối ưu hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức.

chuyên viên quản trị hệ thống
Tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin

Những kỹ năng người làm quản trị hệ thống cần có

Chuyên môn kỹ thuật

Kiến thức về hệ thống mạng và máy tính nói chung là tiêu chí cần thiết. Cụ thể, bạn cần nắm rõ về cách thức hoạt động, cấu hình, các hệ điều hành (Windows, Linux/Unix) cũng như cách cài đặt và quản trị các ứng dụng trên hệ thống. Bên cạnh đó, là các kiến thức về giao thức, hệ điều hành mạng, quản trị cơ sở dữ liệu…

Công nghệ ảo hóa là một công nghệ cho phép một hệ thống máy tính vật lý được chia thành nhiều máy ảo độc lập nhau. Mỗi máy ảo này sẽ có thể chạy các hệ điều hành và ứng dụng khác nhau mà không gây ảnh hưởng đến các máy ảo khác cùng chạy trên cùng một hệ thống vật lý.

Các công nghệ ảo hóa như VMware, Hyper-V, KVM, Xen và Docker đang được sử dụng rộng rãi để triển khai các ứng dụng và hệ thống. Do đó, việc hiểu và quản lý chúng sẽ giúp bạn quản lý hiệu quả các hệ thống ảo hóa trong môi trường làm việc của mình.

Công nghệ ảo hóa
Công nghệ ảo hóa được thiết kế để tạo ra tầng trung gian giữa hệ thống phần cứng và phần mềm

Kỹ năng bảo mật thông tin giúp quản trị viên có thể nhận ra các mối đe dọa an ninh, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính bảo mật của hệ thống và ứng dụng. Bao gồm:

+ Hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật thông tin

+ Hiểu về các phương pháp mã hóa dữ liệu

+ Cài đặt và cấu hình tường lửa, phần mềm chống virus và các công cụ bảo mật khác.

+ Quản lý các bản vá bảo mật, tạo và áp dụng các chính sách bảo mật trong tổ chức.

Hầu hết các tổ chức hiện nay đều lưu trữ dữ liệu trên các nền tảng điện toán đám mây. Hiểu về công nghệ này sẽ giúp chuyên viên hệ thống quản lý việc lưu trữ dữ liệu hiệu quả. Đồng thời, đưa gia các giải pháp lưu trữ và bảo vệ dữ liệu tối ưu cho tổ chức.

>> Xem thêm: 5 phút hiểu về điện toán đám mây

Kỹ năng mềm

+ Giải quyết vấn đề: nhằm phần tích và giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình quản lý hệ thống CNTT.

+ Kỹ năng tương tác và giao tiếp: hỗ trợ người dùng và đàm phán với đối tác khi cần thiết.

+ Kỹ năng tự học và cập nhật kiến thức. Lý do vì ngành công nghệ liên tục có sự thay đổi và cập nhật. Theo đó, người làm công việc này cần có sự cập nhật linh hoạt về kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu hoạt động, phát triển của tổ chức.

Kỹ năng của chuyên viên quản trị hệ thống
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm cũng rất quan trọng

FAQs - Một số câu hỏi thường gặp

Q: Có bao nhiêu loại quản trị hệ thống?

A: Có hai loại, gồm quản trị hệ thống mạng (network system administration) và quản trị hệ thống máy chủ (server system administration).

Q: Học quản trị hệ thống ở đâu?

A: Hầu hết các trường ĐH và trung tâm đào tạo CNTT chuyên nghiệp đều có chuyên ngành này.

Q: Có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong ngành không?

A: Tuy không có nhu cầu cao như vị trí lập trình viên, nhưng đây vẫn là một công việc được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng. Bạn có thể ứng cử vào nhiều vị trí trong nhóm ngành này như: quản trị viên hệ thống, kỹ sư mạng, chuyên viên bảo mật, chuyên viên ảo hóa, quản lý dự án công nghệ thông tin…

Kết luận

Quản trị hệ thống là công việc đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hệ thống thông tin của tổ chức. Với sự phát triển của công nghệ, lĩnh vực này ngày càng trở nên thiết thực và có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Nếu bạn đam mê CNTT và muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hệ thống, hãy tìm hiểu thêm về ngành này và bắt đầu trau dồi kiến thức, kỹ năng của mình nhé!

>>Xem thêm: Những chứng chỉ IT đáng giá nhất trong ngành công nghệ

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/quan-tri-he-thong-la-gi-a31710.html