Làm sao chữa khỏi khàn tiếng, mất giọng hậu Covid-19?

Tôi 35 tuổi, ngày 25/3 tôi bắt đầu bị nhiễm Covid-19 với các triệu chứng ho, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, khàn tiếng và âm tính 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, triệu chứng khàn tiếng đến nay vẫn tiếp diễn, không có dấu hiệu thuyên giảm. Tôi có uống thuốc siro, mật ong hàng ngày và ngậm thuốc nhưng tình trạng khàn tiếng không cải thiện. Xin hỏi đây có phải là triệu chứng Covid-19 kéo dài không và làm sao để chữa khỏi khàn tiếng? Mong được bác sĩ tư vấn. (Phương Quỳnh, TP HCM).

Trả lời:

Nếu bạn đã hồi phục Covid-19 từ cuối tháng 3 nhưng triệu chứng khàn tiếng, mất giọng đến nay vẫn tiếp diễn thì nhiều khả năng bạn đang gặp phải tình trạng hậu Covid-19 hay còn gọi là Covid-19 kéo dài.

Hội chứng Covid kéo dài được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận là tình trạng sau khi điều trị khỏi Covid-19 nhưng các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài đến 3 tháng, 6 tháng thậm chí 9 tháng. Thời gian kéo dài bao lâu và triệu chứng biểu hiện nặng hay nhẹ sẽ khác nhau ở mỗi người. Có rất nhiều triệu chứng Covid-19 kéo dài được ghi nhận và phổ biến nhất là khó thở, sương mù não, mệt mỏi. Nhiều triệu chứng khác ít gặp hơn bao gồm đau tức ngực, trầm cảm, đau cơ, mất khứu giác, mất vị giác, khó nói, khàn tiếng hoặc mất giọng…(1)

chua khan tieng hau covid-19
Sau khi khỏi Covid-19, nhiều người bị mất giọng, khàn tiếng kéo dài.

Khàn tiếng, mất giọng hậu Covid có thể đến từ nhiều nguyên nhân không thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, ho kéo dài trong thời gian nhiễm Covid-19 do nhiễm trùng đường hô hấp thường được ghi nhận là nguyên nhân chính gây khàn giọng, mất giọng hậu Covid-19. Các dây thanh âm nằm trong thanh quản tiếp xúc với nhau để tạo ra giọng nói. Khi bị Covid-19 tấn công gây nhiễm trùng đường hô hấp sẽ khiến người bệnh ho không ngừng. Tình trạng ho kéo theo các dây thanh quản phải cùng nhau đẩy mạnh không khí ra ngoài để làm sạch chất nhầy khỏi phổi và họng thanh quản. Điều này làm cho dây thanh quản bị đập mạnh dẫn đến sưng, viêm và trở nên kém linh hoạt. Hệ quả là người bệnh bị khàn giọng, thay đổi giọng nói hoặc mất giọng.(2)

Ngoài ra, chứng trào ngược dạ dày thực quản trở nên nghiêm trọng hơn sau khi nhiễm Covid-19 cũng có thể là nguyên nhân gây ho nhiều và dẫn đến khàn tiếng, mất giọng hậu Covid.

khám tai mũi họng hậu covid
Bệnh nhân khám tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thời gian vừa qua khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị khàn tiếng, mất giọng tới thăm khám. Khai thác bệnh sử ghi nhận nhiều người bệnh vừa trải qua đợt nhiễm Covid-19 cách đó không bao lâu.

Tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi có sự hỗ trợ của một số thiết bị, máy móc hiện đại bậc nhất hiện nay trong chẩn đoán và điều trị như: hệ thống phân tích âm DIVAS cùng hệ thống nội soi hoạt nghiệm thanh quản Xion (Đức) giúp phát hiện sớm tổn thương trên dây thanh, chẩn đoán chính xác nguyên nhân khàn tiếng, đo rối loạn giọng hát, rối loạn giọng nói và chẩn đoán rối loạn nuốt vùng hạ họng - miệng thực quản.

Chức năng PIET spectro kết hợp thay đổi quang phổ màu cấu trúc mô của máy này cũng hiển thị được sự tương phản, nhất là cấu trúc khối u, sự tăng sinh mạch máu của khối u nghi ngờ ác tính, định hướng sinh thiết khối u, nhờ đó có thể giúp tầm soát ung thư hốc mũi, vòm họng, hạ họng - thanh quản với tỷ lệ chính xác cao và điều trị hiệu quả.

Để cải thiện các triệu chứng khàn giọng, thay đổi giọng, mất giọng do hội chứng Covid-19 kéo dài, bạn có thể uống nhiều nước, xông hơi, ngậm thuốc tại chỗ, tập hít thở, hạn chế nói nhiều, nói to, hò hét, không uống rượu bia. Nếu khàn giọng do chứng trào ngược dạ dày thực quản thì việc thay đổi chế độ ăn uống sẽ hữu ích trong việc cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, nằm gối đầu cao cũng được khuyến khích để ngăn hiện tượng trào ngược axit dịch vị lên cổ họng trong khi ngủ gây ho dẫn đến khàn tiếng.

Uống mật ong hoặc dùng các loại thuốc siro không kê đơn có thể hỗ trợ điều trị chứng khàn tiếng. Tuy nhiên, nếu bạn đã áp dụng mà triệu chứng không cải thiện thì cũng không nên quá lo lắng, bởi vì hội chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài từ 3-6 tháng. Quan trọng là bạn cần khám chuyên khoa Tai mũi họng ít nhất 1 lần, để nội soi thanh quản loại trừ các nguyên nhân khác.

Nếu khàn tiếng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý hoặc khàn tiếng kèm theo khó nuốt, hay bị sặc khi ăn thì bạn nên thăm khám chuyên khoa Tai mũi họng. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nội soi hoạt nghiệm thanh quản để tìm ra nguyên nhân gây khàn giọng và có phương pháp điều trị trúng đích, hiệu quả.

Ngoài ra, khàn tiếng có thể là một dấu hiệu của ung thư thanh quản. Nếu triệu chứng khàn tiếng kéo dài sau khi khỏi Covid-19 hơn 3 - 4 tuần, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, loại trừ nguy cơ ung thư thanh quản và có hướng điều trị phù hợp.

BS.CKII Trần Thị Thuý Hằng Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/lam-sao-de-khong-bi-hau-covid-a28728.html