Những Lưu Ý Khi Du Lịch Malaysia

1. Tiền tệ

Đơn vị tiền tệ của Malaysia là đồng Ringgit Malaysia (RM). Tất cả các loại tiền tệ mang vào hay mang ra khỏi Malaysia đều phải khai báo qua tờ khai du lịch. Theo quy định của chính phủ, người không phải công dân Malaysia được phép đem vào hoặc mang ra khỏi Malaysia không quá 1.000 RM mỗi lần, nhưng không hạn chế ngoại tệ.

Đến Malaysia, du khách nên đổi tiền RM tại sân bay hoặc các ngân hàng. Tại các siêu thị, các điểm vui chơi đổi tiền giá sẽ chênh lệch nhiều. Thẻ tín dụng chỉ được sử dụng ở các thành phố lớn và một một số địa phương.

2. Múi giờ

Giờ Malaysia trước 1 tiếng so với Việt Nam. Malaysia không áp dụng chế độ giờ mùa hè, giờ mùa đông.

3. Thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan

Đối với du khách Việt Nam đi du lịch Malaysia dưới 30 ngày không cần xin visa vào nước này. Ở Malaysia, máy ảnh, đồng hồ, bút mực, máy radio-cassette cầm tay, nước hoa, mỹ phẩm, bật lửa đều miễn thuế. Nếu mang theo hàng thuộc diện phải nộp thuế phải đặt cọc một số tiền để tạm nhập. Bạn sẽ được nhận lại khoảng 50% số tiền đó khi rời Malaysia (bạn nhớ mang theo hoá đơn khi mua hàng, biên lai thu thuế hoặc biên lai thu tiền đặt cọc). Các mặt hàng phải nộp thuế bao gồm thảm, quần áo, phụ kiện quần áo, đồ trang sức, sô-cô-la, túi xách tay, rượu mạnh, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lá điếu,…

4. Điện thoại, giờ mua sắm, giờ ngân hàng làm việc

Thẻ trả trước, thẻ gọi quốc tế trực tiếp cho phép sử dụng điện thoại di động không cần đăng ký được bán rộng rãi với giá rất phải chăng. Dịch vụ Internet cũng rất phổ biến, nhất là ở các đô thị. Hầu hết các Internet cafe sử dụng kết nối tốc độ cao. Các quán áp dụng mức giá khác nhau nhưng đa số dưới 5 RM/giờ (dưới 20.000 VNĐ/giờ)

Cửa hàng bách hóa và siêu thị thường mở cửa từ 10h00 sáng đến 22h00 đêm, còn cửa hiệu nhỏ thường mở cửa từ 09h30 sáng đến 19h00 đêm. Ở thủ đô Kuala Lumpur và hầu hết các thành phố lớn đều có cửa hàng mở 24/24 giờ.

Giờ hoạt động của ngân hàng ở hầu hết các bang là 09h30 sáng - 16h00 chiều (từ thứ hai đến thứ sáu), 09h30 sáng -11h30 sáng (thứ 7), chủ nhật nghỉ.

Ở Kelatan và Terenganu: 09h30 sáng - 16h00 chiều (từ thứ bảy đến thứ tư), thứ năm từ 09h30 sáng đến 11h30 sáng, thứ sáu nghỉ.

5. Phong tục tập quán

Khi đến thăm Malaysia, bạn nên tìm hiểu một số tập quán của người dân địa phương.

Khi vào thăm nhà thờ Hồi giáo phải để giày, dép ở ngoài. Một số nhà thờ Hồi giáo cung cấp khăn, áo choàng cho khách mượn khi vào trong nhà thờ.

Khi gặp nhau, người Malaysia thường có thói quen sờ vào lòng bàn tay của người kia, sau đó chắp hai bàn tay lại. Người Malaysia rất kỵ việc xoa đầu và xoa lưng người khác. Gặp phụ nữ không được bắt tay và không được dùng tay chỉ vào người khác.

Người Malaysia dùng tay phải khi ăn, đưa hay nhận đồ vật bởi vì họ cho rằng tay trái không được trong sạch.

6. Những điểm đến hấp dẫn

Petronas - Twin tower:

Tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur là tòa nhà cao nhất thế giới trước khi bị "qua mặt" bởi tòa nhà Taipei 101 vào năm 2004, và tòa tháp Burj Khalifa 164 tầng vào năm 2010. Tuy nhiên, đây vẫn là tòa nhà đôi cao nhất thế giới. Tòa nhà có 88 tầng được xây dựng kiên cố. 2 tòa nhà này được nối với nhau bằng một cây cầu ở tầng 41 và 42.

Quảng trường độc lập Merdeka:

Đây là nơi Thủ tướng đầu tiên của Malaysia tuyên bố độc lập vào ngày 31/8/1957 khi nước Anh trao trả độc lập cho Malaysia. Khi ấy cờ của Malaysia đã được kéo lên ở đây trên cột cờ cao 100m thay cho lá cờ của nước Anh và nơi đây trở thành “Quảng trường Độc Lập”. Từ đó vào ngày độc lập hàng năm, các cuộc diễu hành đều được tổ chức ở đây.

Cao nguyên Genting:

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cao nguyên Genting được xây dựng trở thành khu nghỉ mát và vui chơi cao cấp. Nơi đây còn được mệnh danh là "Las Vegas của Malaysia" với những sòng bạc được xem là lớn nhất châu Á cùng nhiều khách sạn hoành tráng. Cao nguyên Genting có độ cao 2.000m so với mặt nước biển, được gọi là “thành phố trong mây” hay “thành phố giải trí”, nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 50 km. Giống như Đà Lạt của Việt Nam, nơi này khí hậu ôn hòa dao động từ 14 đến 25 độ C, tiết trời se lạnh, quanh năm là mùa xuân với muôn hoa khoe sắc.

Động Batu:

Theo người Malaysia, động Batu là nơi thần linh ngự trị, nên từ đó Batu trở thành nơi thờ phụng và là tâm điểm của lễ hội. Đây cũng là nơi thiêng liêng nhất của tín đồ Ấn Độ giáo (đạo Hindu) tại Malaysia. Bức tượng thần Murugan cao 43 mét được sơn nhũ vàng lấp lánh, đứng oai nghiêm trước lối ra vào động.

Thành phố Malacca:

Là cố đô, thành phố cổ xưa nhất của Malaysia, Malacca từng là nơi tụ họp sầm uất của các thương nhân đến từ nhiều quốc gia. Sự giao thương quốc tế, cũng như quá trình xâm chiếm của nhiều cường quốc đã khiến Malacca tồn tại nhiều màu sắc dân tộc và những đạo giáo khác nhau, thể hiện trong đời sống, kiến trúc và tôn giáo. Du khách rất dễ dàng nhận ra sự hòa hợp giữa các nền văn hóa Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh cùng tồn tại với hình ảnh của Hồi giáo trong trang phục kín đáo của các thiếu nữ.

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/doi-tien-malaysia-o-dau-a27404.html