Giáo trình Tâm lý học lao động

LỜI GIỚI THIỆU

Thế giới công việc đang thay đổi nhanh chóng cùng với những tiến bộ đáng kể trong công nghệ thông tin, kỹ thuật số, công nghệ truyền thông, biến đổi khí hậu và các biến động kinh tế, xã hội, nhân khẩu học và y tế. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta làm việc và tương tác, giao tiếp với nhau. Từ những tiến bộ công nghệ này, các ngành công nghiệp mới, các hình thức tổ chức và các mô hình kinh doanh mới đang xuất hiện.

Tiến bộ công nghệ có thể tạo ra những lợi ích to lớn về kinh tế và các lợi ích khác, nhưng cũng có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể cho người lao động. Công nghệ thông tin và tự động hóa có thể thay đổi cách thức tiến hành công việc bằng cách bổ sung hoặc thay thế người lao động trong các công việc cụ thể. Điều này có thể làm thay đổi nhu cầu đối với một số loại lao động của con người, loại bỏ một số công việc và tạo ra những công việc mới.

Nhờ các tiến bộ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và người máy nên máy móc giờ đây có thể hoạt động không chỉ về mặt vật lý mà còn có khả năng đảm nhiệm cả những nhiệm vụ nhận thức mà trước đây chỉ có con người thực hiện được.

Bên cạnh đó, những thách thức liên quan đến quyền con người và công việc thỏa đáng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Những thay đổi đã xảy ra gần đây và đang diễn ra trên thế giới làm mất đi đáng kể công việc, bao gồm cả việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng công việc bấp bênh trên toàn cầu. Nhiều nơi không đáp ứng được nhu cầu của con người về thu nhập, kết nối xã hội và quyền tự quyết. Tình trạng mất đi những công việc thỏa đáng làm suy giảm hạnh phúc của cá nhân và xã hội, đặc biệt là với các nhóm bị thiệt thòi và những người không có kỹ năng.

Dựa trên những phát triển mới trong lĩnh vực tâm lý học lao động, Giáo trình Tâm lý học lao động giới thiệu hệ thống lý thuyết tâm lý và khả năng ứng dụng các hiểu biết này để cung cấp sáng kiến, ý tưởng trong các nỗ lực nhằm đảm bảo quyền của người lao động khi tham gia hoạt động lao động, đồng thời xem xét đặc điểm tâm lý của người/nhóm người lao động trong các hoạt động lao động và chuẩn bị cho cuộc đời lao động trong bối cảnh biến động của các yếu tố an sinh kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, con người có thể điều chỉnh để cân bằng giữa công việc và gia đình, làm cho quá trình lao động trở nên hiệu quả và công bằng hơn, nâng cao được năng lực cá nhân để đối phó và thích ứng với những thay đổi trong thế giới công việc.

Tâm lý học lao động là môn khoa học nghiên cứu các đặc điểm, diễn biến tâm lý gắn với cuộc đời lao động của các cá nhân và nhóm người lao động trong sự tác động qua lại, sự thích ứng của con người với hệ thống con người - công việc - môi trường, và ngược lại là sự thích ứng của hệ thống với con người nhằm nhân bản lao động, tăng năng suất, chất lượng lao động, đảm bảo sự an toàn của hệ thống kỹ thuật, xã hội, tăng hiệu quả và thuận tiện trong lao động. Vì vậy, nội dung môn học sẽ làm rõ các đặc điểm, bản chất và diễn biến tâm lý gắn với hoạt động lao động trong cuộc đời lao động của các cá nhân và nhóm người lao động.

Ở đây, các hoạt động lao động và làm việc xem xét cả nỗ lực trên thị trường lao động và cả trong bối cảnh chăm sóc gia đình; các hiểu biết tâm lý và hệ thống hỗ trợ cần được hướng tới cả những người làm việc và những người mong muốn làm việc hoặc chuẩn bị tham gia thị trường lao động chứ không chỉ giới hạn ở nhóm người lao động đang làm việc trong các tổ chức như trước đây. Rõ ràng, bất kỳ một trải nghiệm nào trong cuộc đời lao động cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động quá trình họ làm việc.

Giáo trình bao gồm 8 chương. Chương 1 thuyết phục người đọc về sự cần thiết nghiên cứu Tâm lý học lao động, làm rõ đối tượng nghiên cứu và các ứng dụng của môn học. Chương 2 đề cập tới các đặc điểm về môi trường làm việc, xu thế biến đổi công việc, là bối cảnh ảnh hưởng tới các đặc điểm tâm lý của người lao động. Từ Chương 3 đến Chương 6 nghiên cứu các đặc điểm tâm lý người lao động và quá trình họ thích ứng với công việc/nghề nghiệp với tổ chức và môi trường làm việc. Chương 7 đề cập tới các đặc điểm tâm lý xã hội của nhóm và tập thể người lao động. Chương 8 xem xét các vấn đề tâm lý liên quan tới người lãnh đạo và quản lý, một dạng hoạt động lao động đặc biệt.

Các tác giả tham gia biên soạn giáo trình bao gồm:

Ngô Quỳnh An (Đồng chủ biên), tham gia biên soạn các Chương 1, 5 và 7.

Đặng Hồng Sơn (Đồng chủ biên), tham gia biên soạn các Chương 1, 3, 4, 6 và 8.

Nguyễn Quỳnh Hoa tham gia biên soạn Chương 4 và 7.

Phạm Thị Thanh Nhàn tham gia biên soạn Chương 3 và 4.

Trần Thị Mai Phương tham gia biên soạn Chương 2.

Lã Thị Ngọc Mai tham gia biên soạn Chương 6.

Ban biên soạn cuốn Giáo trình Tâm lý học lao động xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong lĩnh vực Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực, các chuyên gia là các Tiến sĩ Tâm lý học thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Thanh niên đã đồng hành, góp ý cho bản thảo giáo trình, cũng như tập thể các đồng nghiệp đầy nhiệt huyết trong Bộ môn Tâm lý, Xã hội học và Dân số đã cùng tham gia biên soạn cuốn giáo trình này ngay từ những ngày đầu tiên.

Chúng tôi xin cảm ơn các chuyên gia trong Hội đồng cố vấn và Hội đồng thẩm định giáo trình các cấp của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đóng góp những ý kiến chuyên môn, những ý tưởng về bố cục trình bày để hoàn thiện giáo trình.

Đây là giáo trình được biên soạn đổi mới nên khó tránh khỏi những hạn chế nhất định. Nhóm tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, của sinh viên, các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc.

Bộ môn Tâm lý, Xã hội học và Dân số

Đồng chủ biên

Ngô Quỳnh An; Đặng Hồng Sơn

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/tam-ly-hoc-lao-dong-a26710.html