Điện Biên TV - Nhắc đến hoa ban là nhắc đến mảnh đất Điện Biên, Tây Bắc - bao la hùng vĩ mà lãng mạn sắc hoa. Những cánh ban trắng tinh khôi, nhấn nhá sắc hồng, sắc tím thơ mộng cùng hương thơm thoảng nhẹ làm xao xuyến bao trái tim, viết nên bao vần thơ, câu hát. Hoa ban từ vẻ đẹp thuần khiết nơi núi rừng, mang trong mình câu chuyện huyền thoại và lịch sử, giờ đây đã trở thành loài hoa đặc trưng, biểu tượng cho con người, văn hóa, du lịch của tỉnh Điện Biên.
Như đến hẹn,vào tháng 3 hàng năm, trên khắp các sườn núi, dọc những con đường về bản, trên nhiều tuyến đường, dãy phố, hoa ban lại nở trắng cả góc trời. Từng cây, từng cành, từng chùm hoa bung nở trắng bồng bềnh như mây. Nhiều du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến Điện Biên đã ngỡ ngàng, say mê khi tận mắt chiêm ngưỡng hoa ban bung nở.
Ông Đặng Văn Sỹ, du khách TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi ở TP. Hồ Chí Minh ra thăm Điện Biên vào mùa hoa ban, rất tuyệt vời. Hoa Ban gắn với lịch sử của Điện Biên - là vùng đất lừng danh thế giới. Tôi thấy rất đẹp.”
Đẹp là thế, hoa ban còn thêm huyền ảo, cuốn hút mạnh mẽ khi đi vào huyền thoại và đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng. Câu chuyện tình yêu ngang trái nhưng thủy chung son sắt của chàng Khum, nàng Ban - đôi trai gái dân tộc Thái là nguồn gốc của loài hoa đẹp này.
Vẻ đẹp thuần khiết của hoa ban.Hoa ban được ca ngợi, tôn thờ, biểu tượng hóa, dần dần đi vào tâm linh người Thái, sinh ra các nghi thức, lễ hội. Bởi vậy, người Thái cũng có nhiều nét văn hóa cùng hoa ban, cứ vào đầu mùa ban nở, nhiều gia đình có thói quen chọn những bông hoa ban nở đầu mùa để đem về trưng trong nhà để cầu mong sức khỏe, bình an, hạnh phúc; nhiều người con gái Thái cũng có thói quen cài lên mái tóc những bông hoa ban với ước mong luôn rực rỡ, tươi thắm như loài hoa này.
“Mùa hoa ban đối với dân tộc Thái có ý nghĩa mang lại may mắn, hạnh phúc. Mỗi mùa hoa ban nở rộ sẽ đem lại một mùa bội thu. Khi mùa hoa ban đến thì người con gái Thái lại hái hoa ban cài lên tóc cầu may mắn để mong sống lâu trăm tuổi cho đến khi tóc bạc như màu hoa ban nở.” - chị Cà Thị Duyên, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, chia sẻ.
Ngày nay, hoa ban đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Lấy cảm hứng từ loài hoa này, nhiều chương trình ca nhạc hay các nghệ nhân, đội văn nghệ quần chúng dân tộc Thái cũng đã sáng tạo, gìn giữ những điệu múa về loài hoa đẹp này, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng và góp phần tạo ấn tượng với du khách.
Không chỉ nuôi dưỡng cội nguồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, mà cây ban còn có rất nhiều công dụng trong đời sống thường ngày, như: vỏ cây ban là bài thuốc quý; hoa, búp ban được chế biến thành món ăn ngon đặc trưng để trân trọng mời khách quý.
Bà Lò Thị Dương, bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ: “Hoa ban được chúng tôi sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày. Hoa, búp làm món nộm; thân cây mang về luộc để nhuộm gạo đồ xôi, rồi làm thuốc nữa. Những món ăn này chúng tôi cũng làm để đón khách quý, đón du khách đến thưởng thức món ăn truyền thống của người Thái chúng tôi.”
Với vẻ đẹp và ý nghĩa, cùng sự gắn bó ấy, hoa ban trở thành biểu tượng của đất và người Điện Biên. Hoa ban không chỉ gợi nhắc huyền thoại, mà còn báo hiệu cho những ngày hội vui rộn rã. Đã trở thành hoạt động thường niên, tháng 3 về, người dân địa phương và du khách muôn nơi lại về với Điện Biên để chứng kiến, tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống các dân tộc trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban./.
Phương Dung - Đức Bình/DIENBIENTV.VN
Link nội dung: https://pmil.edu.vn/y-nghia-cua-hoa-ban-trang-a19367.html