Khi mùa nắng gắt bao phủ khắp đồng bằng ở miền Tây, cũng là lúc nhiều loại hoa trái đặc thù thể hiện sức sống. Me nước là một trong số đó. Trái me nước phân thành từng đốt giống với me chua, nhưng cuốn thành vòng tròn lạ mắt.
Loại cây hoang dã, bất quá được trồng trên đê, nhằm mục đích chắn gió, giữ đất, chứ không có giá trị kinh tế. Còn lại hầu hết cây me nước đều mọc hoang, tự sinh trưởng rất mạnh mẽ.
Thân cây me nước nhiều gai, khi còn nhỏ trông yếu ớt, nhưng càng lớn dần, chúng càng vững chắc. Tán cây rậm bao nhiêu, mùa kết trái lại xum xuê bấy nhiêu.
Từng là món ăn chơi của rất nhiều người, nên không kể độ tuổi, me nước với vị bùi bùi xen lẫn vị ngọt và chát nhẹ có sức hút lạ kỳ.
Trái me còn sống có màu xanh, hình xoắn, khi chín chuyển dần sang màu đỏ rất đẹp mắt. Không phải quà vặt đắt đỏ hay sang chảnh, nhưng với những người từng ăn qua loại trái dân dã này đều có một kết luận chung: “Thơm và ngon!”.
Trái me chín để lộ phần thịt trắng xốp ra ngoài, thấy rõ cả những hạt màu đen. Thu hút nhất là khi phần thịt chuyển hẳn sang màu đỏ, vừa thấy đã cảm giác thòm thèm. Ăn me đất cũng chẳng cần cầu kỳ. Trái xanh hơi chát có thể chấm muối. Nhưng thông thường, hái được trái nào, trẻ con cũng lụm bỏ miệng liền trái đó.
Bắt gặp hình ảnh trái me nước, có người thốt lên: “Lâu lắm không được ăn. Giờ muốn mua cũng không có”. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, me nước còn hiện hữu rất nhiều. Ngoài trái để ăn chơi, lá của cây còn là một bài thuốc để chữa các bệnh về tóc cho phụ nữ.
Đến mùa kết trái, chịu khó một chút là đã có món trái cây miễn phí cho buổi trưa. Hương vị mộc mạc thế thôi mà đã đi vào ký ức tuổi thơ của bao người, nhất là những đứa trẻ lớn lên ở vùng quê.
MỸ HẠNH
Link nội dung: https://pmil.edu.vn/me-nuoc-mien-tay-a18889.html