Cháo trai Hà thành

Cháo trai Hà thành

Trai sống ở vùng nước ngọt, dưới đáy ao, sông. Thịt trai chứa nhiều vitamin, canxi, phốt pho và kẽm. Theo kinh nghiệm dân gian, trai thường được dùng để chữa bệnh mồ hôi trộm cho trẻ nhỏ. Với người lớn, trai có tác dụng bổ máu, tốt cho hệ tim mạch, hệ thần kinh, xương và hỗ trợ hệ miễn dịch, ngăn ngừa ung thư... Vì thế, nhiều người thường ăn trai để bồi bổ sức khỏe.

Khoảng thập niên 1990, không khó để bắt gặp những gánh cháo trai rong trên đường phố Hà Nội. Lũ trẻ hễ nghe tiếng rao lảnh lót: “Ai cháo trai... đây...” là chạy về xin tiền bố mẹ mua cháo rồi tụ lại một góc vừa thổi vừa ăn. Cháo trai được bán trên nhiều con phố ở Hà Nội. Vì là thức quà ăn nhẹ giữa các bữa chính nên các quán thường mở giữa buổi chiều.

Người Hà Nội thường tìm đến các quán cháo trai quen thuộc trên phố Trần Xuân Soạn, Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), Hòe Nhai (quận Ba Đình)... Nhưng quán lâu đời, mang hương vị đặc trưng nhất của cháo trai Hà Nội phải kể tới quán cháo trai ở cổng chợ Sa, trước lối vào khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh). Người dân sau mỗi buổi làm đồng thường ghé quán lót dạ bát cháo trai với cà muối mang đậm hương vị làng quê. Cùng với bún Mạch Tràng xào rau cần, cháo trai cà muối là một món đặc sản làm nên tên tuổi của ẩm thực vùng Cổ Loa xưa và là những món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội truyền thống hay những ngày lễ tết quan trọng của người dân nơi đây.

Để nấu cháo trai, trước tiên, người ta ngâm trai trong nước vo gạo kèm vài quả ớt cắt lát để trai nhả sạch bùn đất. Sau đó đổ nước, luộc trai cùng vài lát gừng. Khi trai vừa hé miệng, người ta vớt ra, để nguội, tách vỏ lấy thịt, bóp chanh và rửa sạch. Nước luộc trai để lắng, lọc lấy nước dùng nấu cháo. Thịt trai thái miếng nhỏ, cho vào xào sơ trên lửa to cùng hành khô phi thơm và chút nước mắm, hạt tiêu. Tiếp đó, người ta trộn gạo nếp với gạo tẻ, ngâm mềm rồi xay nhuyễn, đổ ra nồi, thêm nước luộc trai và đun sôi. Trong quá trình nấu phải khuấy đều tay liên tục. Khi cháo sánh, trong, mịn là đã chín. Cuối cùng, người ta múc cháo ra bát chiết yêu, thêm hành lá, rau răm đã rửa sạch thái nhỏ, cho thịt trai lên trên, thêm chiếc quẩy giòn cắt khúc và rắc chút ớt bột, hạt tiêu rồi thưởng thức.

Cháo trai ăn nóng rất ngon, vì thế, người Hà Nội thường chọn ăn món này vào mùa đông để làm giảm đi cái rét ngọt đặc trưng của miền Bắc...

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/cach-nau-chao-trai-kieu-ha-noi-a12497.html