20 món đặc sản Bắc Kạn khiến thực khách nhớ mãi

Đặc sản Bắc Kạn dễ gây thương nhớ cho nhiều du khách với đa dạng món ăn ngon ấn tượng, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Cùng iVIVU điểm qua 20 món đặc sản Bắc Kạn luôn khiến thực khách lưu luyến.

20 món đặc sản Bắc Kạn khiến thực khách nhớ mãi

1. Tôm chua Ba Bể

Món tôm chua với vị béo, chua chua của thịt và phần tỏi ớt cay cay cùng mùi thơm của riềng… Món ăn dân dã được bán khá nhiều ở các bản Bó Lù, Pác Ngòi… Ở Ba Bể, người ta thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm đĩa khế chua, chuối xanh, đinh lăng… Ngoài tôm, các loại tép hay cá nhỏ được bắt tươi ở hồ, ăn không hết, người dân cũng đem đi muối trong lọ để ăn dần.

2. Lạp sườn hun khói

Lạp sườn hun khói còn được biết đến với tên gọi khác là lạp sườn gác bếp, với nguyên liệu chính là thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Lạp sườn Bắc Kạn được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có hương thơm đặc biệt, có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mắc mật… Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, tạo nên món ăn thật ngon miệng. Lạp sườn hun khói rất thích hợp để nhấp cùng chút rượu.

3. Cá nướng Ba Bể

Hồ Ba Bể được thiên nhiên ưu ái cho nhiều cá, người dân thường bắt cá sau đó chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon đặc biệt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở miền xuôi để làm món cá nướng. Thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Quy trình chế biến món cá nướng cũng khá tốn thời gian. Đầu tiên, người ta chọn những con cá có kích thước bằng nhau, mổ bụng lấy ruột, làm sạch xong đem đi phơi nắng rồi xiên những con cá thành từng xiên. Tiếp theo, chỉ cần đem những xiên cá nướng là có thể thưởng thức. Cá nướng thường được chấm tương ớt và thưởng thức cùng chén rượu ngô.

4. Rau sắng (rau ngót rừng)

Lá rau sắng dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đủ nấu bát canh lớn thơm ngon. Cách nấu canh rau sắng tương tự như cách nấu canh rau ngót thông thường. Người ta tuốt hết cọng, chỉ lấy phần lá non. Sau đó rửa sạch, vò nát cho rau mềm hơn thì cho vào nồi nước sôi và nêm gia vị, muối. Theo kinh nghiệm của người dân ở Bắc Kạn, phải ăn canh rau sắng nấu suông, nêm một chút muối, nhai chậm và kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của nó. Canh rau sắng thường được ăn kèm cà muối vào mùa hè vừa mát, vừa bổ dưỡng.

5. Trám đen

Trám đen là đặc sản Bắc Kạn nói riêng và của núi rừng Việt Bắc nói chung. Quả trám đen có hình thoi, 2 đầu nhọn, màu tím thẫm, thịt màu đỏ vàng, trong hạt có nhân trắng ngần. Quả trám có vị bùi, ngậy, đậm đà, có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn với hương vị khó quên, nhưng đa phần là sử dụng để kho với thịt ba chỉ, hay đồ xôi. Trám đen có 2 loại gồm trám nếp và trám tẻ, thông thường người ta thiên về trám nếp bởi thịt mềm, phù hợp với người già và trẻ nhỏ.

quả trám đen6. Rau bồ khai (rau dạ hiến)

Rau bò khai-ivivuRau bồ khai (bò khai) thường mọc tại các khu vực núi đá hiểm trở, ngọn rau giống như cây tầm gửi, được dùng để chế biến các món ăn hay làm dược phẩm chữa các loại bệnh. Thoạt nhìn, ngọn rau giống ngọn mướp hương nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Sau khi mang bồ khai về, chẳng cần chế biến cầu kì, chỉ cần nhặt sạch, phi tỏi thơm trên bếp rồi đổ rau vào xào to lửa là đã có một món ăn hấp dẫn. Ngoài ta, rau bồ khai còn được dùng khi ăn với phở, mì xào hay xào lẫn với thịt bò.

7. Bánh coóc mò

Bánh coóc mò là đặc sản có từ lâu đời của người Tày, Nùng. Theo tiếng Tày, coóc mò có nghĩa là “sừng bò”, bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Bánh được làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Vì được làm từ loại nếp ngon nhất mà bà con vùng núi cao trồng trên nương nên hương vị của bánh rất ngon, thơm, ngọt và dẻo. Những vùng có dân tộc Tày, Nùng như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang,… đều có bán bánh coóc mò trong các khu chợ phiên.

Bánh-coóc-mò-ivivu-38. Xôi đăm đeng

Xôi đăm đeng là một loại xôi độc đáo được nấu từ gạo nếp nương và tất cả màu sắc của xôi được tạo ra hoàn toàn từ hương sắc của cây cỏ. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm. Người dân nơi đây, thường ăn xôi đăm đeng với muối vừng hoặc ruốc. Nếu có dịp lên Bắc Kạn vào những ngày Lễ, Tết, bạn hãy nhớ thưởng thức món xôi đăm đeng để cảm nhận hương sắc núi rừng nơi đây.

9. Miến dong Na Rì

Miến dong là đặc sản nổi tiếng của Na Rì, Bắc Kạn. Miến dong Bắc Kạn được làm từ những củ dong riềng trồng trên đèo Áng Toòng ở độ cao trên 1.000m. Sợi miến có màu sắc tự nhiên vốn có do được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây. Sợi miến khi nấu có vị dai, giòn và thơm của dong riềng. Từ loại miếng này, người ta có thể chế biến ra nhiều món ngon và dễ ăn.

10. Măng vầu

Măng vầu là sản vật nổi tiếng của người dân xã Đôn Phong (Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn). Măng vầu mang đậm hương vị núi rừng nơi đây, vào đầu vụ những mầm măng vầu mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị hơi đắng, còn từ sau tháng 2 âm lịch, măng lại chuyển sang vị đắng gắt hơn. Người dân nơi đây chế biến măng thành nhiều món như măng cuốn thịt, măng xào, nấu canh hay đơn giản là luộc rồi chấm với muối vừng,… nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt.

11. Mứt mận

Quả mận có nhiều ở địa phương, nhưng chỉ Bắc Kạn mới có giống mận vàng quả to và được những bàn tay khéo léo của người dân chế biến tạo nên món đặc sản không nơi nào có được. Mứt mận ở Bắc Kạn có hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Quả mứt mận có màu nâu sậm, trong veo, cắn vào thấy dai và có vị ngọt, không ai nghĩ rằng nó được làm ra từ những quả mận vừa chua, vừa chát. Có dịp đến Bắc Kạn, bạn hãy nhớ chọn mua mứt mận để làm quà biếu cho người thân và bạn bè.

12. Chuối hột rừng

Chuối hột rừng có đặc điểm khá nổi bật như hoa chuối mọc thẳng đứng, màu đỏ thẫm. Đặc biệt loại chuối này có rất nhiều hột, lúc chín chuối có màu vàng nhìn rất đẹp mắt. Thường người ta sử dụng trái chuối càng nhỏ thì càng có nhiều nhựa, có chức năng trị bệnh.

Ở Bắc Kạn, chuối hột hồ Ba Bể được bán nhiều ở đường lên ao Tiên, khu vực đón khách từ cổng vào xuống hồ. Một trong những loại thức uống được nhiều người biết đến chế biến từ chuối hột rừng là rượu thuốc. Rượu thuốc ngâm từ chuối hột rừng rất ngon. Hương vị của rượu đặc trưng và bổ dưỡng, công dụng chính được biết đến là để chữa đau lưng, nhức mỏi.

13. Thịt lợn gác bếp

Thịt lợn gác bếp vốn là món đặc sản nổi tiếng của người Thái Đen ở vùng núi Tây Bắc. Và với người dân ở Bắc Kạn, món ăn này đã không còn quá xa lạ. Khác với một số dân tộc khác, người Tày sống quanh hồ Ba Bể thường bỏ thịt vào sọt hoặc gùi đi rừng rồi mới treo lên bếp, khói từ bếp củi hằng ngày hun lên làm thịt có màu vàng đen. Thịt treo để cả năm vẫn không bị hỏng. Ngày nay, nhà người Tày ở quanh hồ vẫn luôn có một ít thịt treo gác bếp để dùng trong những dịp đón khách quý, Lễ, Tết hay ngày quan trọng khác.

14. Bánh trời

Bánh trời hay còn gọi là “pẻng phạ” (theo tiếng Tày), một món bánh quý của người Tày ở Bắc Kạn. Bánh trời không thể thiếu trong các mâm lễ cúng đón năm mới, lễ mừng xuống đồng… Bà con người Tày luôn dồn tình cảm và sự khéo léo vào từng viên bánh trời này. Bánh trông bé xíu, tròn tròn như quả nhãn, hội tụ bao nguyên liệu, hương vị đặc trưng của vùng quê nơi đây. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp, rượu trắng, chè mạn và đường mía. Bánh có lớp bột áo bên ngoài làm từ gạo nếp rang chín, xay nhỏ. Lớp bột bánh trắng mịn, ôm bao lấy chiếc bánh nhưng không thể phủ kín màu vàng nâu của lớp đường bám trên bánh, nên nhìn chiếc bánh trông rất mộc và thô. Nhưng khi thưởng thức, bánh mang lại một sức hút khó cưỡng.

15. Rau dớn

Rau dớn là một loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Ở Bắc Kạn, đặc biệt là những vùng núi cao, rau dớn thường mọc ở nơi ngọn nguồn của các con sông, con suối và thường mọc ở bờ suối, bờ khe, nơi có độ ẩm ướt cao. Rau dớn ăn ngon nhất là từ sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi voi, có nhựa nhớt, được dùng để chế biến thành các món ăn như xào với nước măng chua, làm nộm, trộn gà xé hoặc thậm chí nấu canh…

16. Bánh khẩu thuy

Bánh khẩu thuy là món ăn nổi tiếng của người Tày ở Bắc Kạn. Bánh có hình dáng tròn như quả trứng chim cút, vàng óng, giòn tan, ăn vừa ngọt, vừa thơm. Bánh khẩu thuy không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của bà con người Tày, Nùng nơi đây. Bánh được làm từ nhiều nguyên liệu, trải qua nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Nếu có dịp đến Bắc Kạn, bạn hãy nhớ thưởng thức qua món bánh khẩu thuy thơm ngon nức tiếng này.

17. Măng ớt Đèo Gió

Ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng (Ngân Sơn, Bắc Kạn) có món đặc sản măng ớt với vị cay, hương thơm đậm đà đặc trưng. Măng ớt vừa là món ăn, vừa là thứ nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân nơi đây. Măng ớt Đèo Gió có thể chế biến từ nhiều loại măng nhưng ngon nhất vẫn là măng tre gai để tạo độ giòn, thơm. Các công đoạn làm măng tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là giai đoạn ủ chua, ngâm măng.

Măng ớt có thể ăn kèm với nhiều món khác nhau, làm giảm vị ngấy, béo đối với món xào, rán hay tăng thêm phần ngon miệng cho các món luộc, tạo vị cay nóng cho món lẩu trong mùa đông.

18. Chè Shan Tuyết Bằng Phúc

Xã Bằng Phúc (tỉnh Bắc Kạn) có khí hậu mát mẻ rất thích hợp với cây chè Shan Tuyết. Những gốc chè nơi đây được trồng trên địa hình cao dốc và chưa bị tác động bởi hóa chất đã làm nên hương vị đậm đà của chè Bằng Phúc. Và chè Shan Tuyết Bằng Phúc từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Chợ Đồn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.

19. Mèn mén

Mèn mén1-ivivuMèn mén là một món ăn truyền thống của dân tộc Mông sống ở Đồng Luông, xã Quảng Chu của huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Mèn mén được làm ra từ nguyên liệu chính là hạt bắp. Sau khi ngô được giã nhỏ bằng cối đá, sẽ nhào với một ít nước và đem đi hấp. Tuy chỉ là bột ngô hấp nhưng với cách làm khéo léo của người dân nơi đây và với việc kết hợp mèn mén ăn chung với các món ăn khác đã làm cho nó thêm phần hấp dẫn. Người dân thường trộn mèn mén với cơm hay hòa vào nước phở, mì. Nếu có dịp ghé vào các ngôi chợ vùng cao Bắc Kạn, bạn đừng quên thưởng thức một bát phở mèn mén thơm ngon, nóng hổi.

20. Rượu men lá Bằng Phúc

Rượu men lá Bằng Phúc-ivivuRượu men lá thường xuất hiện nhiều vào dịp Tết đến xuân về ở Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, trở thành một thứ đồ uống rất riêng của đồng bào miền núi nơi đây. Khi uống rượu men lá, có hương vị rất hấp dẫn, ngọt mát, dịu êm hơn bất kỳ loại rượu nào khác. Thông thường để nấu được rượu thì không thể thiếu một thứ đó là men rượu. Men lá nấu rượu Bằng Phúc được làm từ lá thuốc bắc với bột gạo. Để có được men tốt, tạo nên hương vị đặc trưng của rượu thì bí quyết quan trọng nhất chính là lên rừng hái thuốc bắc về phơi khô để dùng dần.

Theo iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

iVIVU.com Tháng Năm 26, 2023

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/dac-san-bac-kan-a11500.html