“Nhất định phải leo núi Phú Sĩ một lần trong đời!”
Nếu có cơ hội sinh sống ở đất nước mặt trời mọc, chắc hẳn không ít lần bạn đã bắt gặp những câu nói như vậy rồi nhỉ. Dù không phải người Nhật nào cũng từng leo núi Phú Sĩ, nhưng trong trái tim họ, núi Phú Sĩ có vị trí vô cùng đặc biệt, biểu trưng cho nhiều giá trị tốt lành.
Được biết đến như biểu tượng của Nhật Bản, núi Phú Sĩ đã và đang đón nhận nhiều tình cảm yêu thương từ du khách khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn ẩn chứa nhiều sự thật thú vị và những nét đẹp bí ẩn ít người biết đến.
Trong bài viết này, hãy cùng LIGHTBOAT khám phá những sự thật hay ho về ngọn núi tuyệt vời này nhé!
Đầu tiên, hãy cũng điểm qua những thông tin sơ lược về ngọn núi này.
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, với chiều cao lên tới 3776m. Tọa lạc ở ranh giới giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka, nó có “hộ khẩu” ở 3 địa phương trực thuộc tỉnh Yamanashi, 5 thành phố và thị trấn của tỉnh Shizuoka.
Núi Phú Sĩ là một ngọn núi độc lập không thuộc bất cứ dãy núi nào, nó sở hữu hình dạng nón cân xứng hiếm có trên thế giới, với bề ngang tỏa đều, to dần từ ngọn xuống đến chân núi. Hình dáng này kết hợp với chiều cao “nổi trội” đã góp phần tạo nên nét đẹp độc đáo của của núi Phú Sĩ.
Hiện nay, núi Phú Sĩ vẫn được coi là ngọn núi lửa còn hoạt động (núi lửa sống). Nó phun trào lần đầu tiên vào khoảng 100.000 năm trước. Kể từ đó, các vụ phun trào quy mô lớn vẫn tiếp diễn, góp phần làm vùng chân núi và khu vực lân cận dẫn dần mở rộng và phát triển. Đỉnh núi hình thành muộn hơn - cách đây khoảng 10.000 năm và đã có thời kì núi Phú Sĩ có hai đỉnh cùng một lúc.
Lần phun trào cuối cùng của núi Phú Sĩ diễn ra đã rất lâu rồi, vào khoảng 300 năm trước vào thời kì Edo. Tuy vậy, cho đến nay nó vẫn được quan sát và nghiên cứu dưới góc độ một ngọn núi lửa đang hoạt động.
Về lí do khiến núi Phú Sĩ là biểu tượng của Nhật Bản, trước tiên phải kể đến 2 từ khoá đó là “tôn giáo” và “nghệ thuật”.
Từ xa xưa, người Nhật đã tin rằng Núi Phú sĩ là nơi cư ngụ của thần linh. Vào thời Chiến Quốc, một tín ngưỡng rất phổ biến trong lòng dân chúng, được đặt tên là là “Tín ngưỡng tâm linh Phú Sĩ” và dần trở thành một biểu tượng tôn giáo.
Ngoài ra, núi Phú Sĩ là chất liệu, là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật như thơ truyền thống Nhật “Waka”, tranh khắc gỗ “Ukiyo-e” cũng như các tác phẩm văn học. Trong số đó, những bức tranh gỗ do Hokusai Katsushika hay Hiroshige Utagawa vẽ được cho là có ảnh hưởng lớn đến cả các danh hoạ của phương Tây như Van Gogh, Monet, v.v.
Như vậy, bên cạnh khía cạnh tôn giáo, về mặt nghệ thuật, tranh vẽ về Núi Phú sĩ trở thành một Motif thành công, giúp nhiều tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản vang danh khắp thế giới. Cũng chính vì lẽ đó, suy nghĩ “Nhật Bản = Núi Phú sĩ” cũng dần bén rễ ăn sâu vào tiềm thức của tất cả mọi người, của du khách trong và ngoài nước.
Núi Phú Sĩ ẩn chứa nhiều bí ẩn mà ngay cả người Nhật cũng không biết. LIGHTBOAT sẽ giới thiệu tới bạn những thông tin bên lề rất thú vị, hãy thử “tám” với bạn bè xem sao nhé, đảm bảo cuộc trò chuyện của các bạn sẽ sôi nổi hơn đấy!
Núi Phú Sĩ có những tên gọi đặc biệt, chỉ những trạng thái khác nhau của ngọn núi này vào những mùa khác nhau hay những thời khắc đặc biệt trong năm.
“Diamond Fuji” (Núi Phú Sĩ kim cương)
Hiện tượng núi Phú Sĩ tỏa sáng như kim cương vào khoảnh khắc mặt trời he hé ló rạng từ đỉnh núi.
Núi Phú Sĩ đảo ngược
Là hiện tượng khi hình ảnh núi Phú Sĩ phản chiếu trên mặt hồ nước trong như một tấm gương soi và tạo nên hình ảnh núi Phú Sĩ đảo ngược.
“Pearl Fuji” (Núi Phú Sĩ ngọc trai)
Mặt trăng rằm hiện ra từ đỉnh núi trông giống như viên ngọc trai.
Núi Phú Sĩ đỏ / Núi Phú Sĩ hồng
Hai hình ảnh này của núi Phú Sĩ xuất hiện khi bề mặt núi Phú Sĩ được chiếu sáng bởi ánh mặt trời.
“Núi Phú sĩ đỏ” có thể được nhìn thấy chủ yếu vào các buổi sáng mùa hè, và “Núi Phú sĩ hồng” là ngọn núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết được nhuộm sắc hồng vào mùa đông.
Chắc hẳn rất nhiều người nghĩ đỉnh núi Phú Sĩ là tải sản Quốc hữu (đất đai thuộc tài sản Quốc gia). Thực tế là, mảnh đất trên đỉnh núi Phú Sĩ là tài sản Tư hữu (đất đai thuộc tài sản tư nhân), cụ thể là thuộc về “Đền Fujisan Hongu Sengen Taisha”
Phần đất tư hữu là từ trạm thứ 8 trở lên (đường lên đỉnh núi Phú Sĩ được chia thành 10 trạm). Nói cách khác, đỉnh núi Phú Sĩ là phần đất nằm trong khuôn viên của ngôi đền. Nếu biết điều này trước, bạn sẽ có cảm giác như mình đang không chỉ leo một ngọn núi đơn thuần, mà như thể mình đang khám phá một vùng đất huyền bí vậy!
Tại Nhật có một câu tục ngữ là “”Ichi fuji Ni taka San nasubi” (tạm dịch: Thứ nhất núi Phú Sĩ, thứ nhì chim ưng, thứ ba cà tím). Câu nói này chỉ top 3 những sự vật sẽ đem lại may mắn nếu chúng xuất hiện trong giấc mơ của bạn vào đêm giao thừa. Kể cả không phải vào đêm giao thừa đi chăng nữa, giấc mơ thấy núi Phú Sĩ cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa thú vị phải không nào?
Chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng một khi đã đến Nhật Bản, nhất định phải một lần leo núi Phú Sĩ đúng không? Hãy cùng LIGHTBOAT điểm lại các bước chuẩn bị cơ bản trước khi chinh phục đỉnh núi này!
Để đảm bảo việc khách du lịch có thể leo núi Phú Sĩ một cách an toàn, “thời gian leo núi” được quy định là khoảng đầu tháng 7 đến đầu tháng 9. Nếu muốn leo lên đỉnh núi, bạn nên lên kế hoạch leo trong hai ngày một đêm thay vì chỉ đi trong ngày.
Có bốn cung đường chính để leo núi Phú Sĩ. Cung leo núi phổ biến nhất là cung Yoshida thuộc địa phận tỉnh Yamanashi, rất thuận tiện cho người di chuyển từ khu vực trung tâm Tokyo và cung này cũng khá “dễ thở” đối với người mới bắt đầu.
Nếu bạn chọn leo cung Yoshida, thời gian trung bình để leo lên đỉnh là 6 -7 giờ và 4 - 5 giờ khi leo xuống. Nếu tính cả thời gian nghỉ giải lao sẽ mất hơn 12 tiếng.
Ngoài ra còn có xe buýt cao tốc đi thẳng từ Shinjuku đến điểm khởi hành leo núi, chính là “Trạm số 5 Fuji Subaru Line” thuộc cung Yoshida. Bạn cũng có thể tìm đến các tour dành cho người nước ngoài có hướng dẫn viên chuyên nghiệp dẫn đường.
Khi leo núi Phú Sĩ, bạn không những phải chú ý đến các quy tắc leo núi thông thường mà còn phải chú ý tuân thủ các quy tắc đặc biệt dành cho người leo núi Phú Sĩ.
Thời tiết
Theo như cách tính nhiệt độ thì cứ lên cao 100m nhiệt độ sẽ giảm 0,6 độ, như vậy nhiệt độ ở trạm số 5 núi Phú Sĩ sẽ thấp hơn dưới chân núi từ 10~15 độ. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý cho trường hợp thời tiết xấu đột ngột.
Vật dụng mang theo khi leo núi
Đồ lót bằng sợi tổng hợp, áo tay dài, quần dài với chất liệu thoáng mát thấm hút mồ hôi, áo khoác lông cừu, mũ bảo hiểm, giày đế êm với phần bảo vệ mắt cá chân, tất, áo mưa (nên mang loại áo mưa theo set có phần áo và phần quần riêng biệt), áo khoác ấm, một bộ quần áo để thay, bình đựng nước (loại chứa được từ 1-2 lít), đồ tiện mang theo khi đi du lịch như mơ muối, cơm nắm và kẹo, đèn pin, bộ sơ cứu, găng tay, túi đựng rác, đồ ăn liền, khăn tắm, tiền xu (để đi vệ sinh), khẩu trang, v.v.
Những lưu ý khác:
Chuẩn bị những món đồ cần thiết kể trên trước khi bắt đầu chuyến leo núi là điều cực kỳ cần thiết. Việc không mang quần áo phù hợp hay chưa chuẩn bị tâm lý đầy đủ có thể dẫn tới nhiều nguy hiểm trong quá trình leo. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bản thân mình sẵn sàng về mọi mặt trước chuyến đi để có trải nghiệm leo núi tốt nhất nhé!
Hãy leo theo tốc độ mà bạn thấy thoải mái hoặc ít nhất nên bắt kịp tốc độ của người chậm nhất trong nhóm. Nếu bạn có các triệu chứng say độ cao (nôn mửa, đau đầu, v.v.), hãy xuống núi ngay lập tức.
Bạn không được nhặt trái cây, cành cây hoặc đá, v.v. để mang về nhà. Không để lại đồ dùng cá nhân của mình, không chất đống hoặc di chuyển đá trên núi một cách không cần thiết.
Ngoài ra, việc dựng lều trên núi Phú Sĩ cũng không được phép. Thay vì ở ngoài trời, nếu cần có chỗ nghỉ ngơi, bạn nên ở trong các cơ sở lưu trú trên núi. Các phòng ở đây là dạng phòng cần đặt trước, vì vậy trước khi đi hãy nhớ liên lạc tới các cơ sở lưu trú để đặt phòng nhé.
Một sự thật là bạn không cần phải lên tới đỉnh núi Phú Sĩ để có thể ngắm khung cảnh bình minh đẹp nhất. Để ngắm bình mình từ đỉnh núi, bạn cần xuất phát từ nửa đêm, đi trong thời tiết giá lạnh, dùng đèn pin gắn trên đầu để dò dẫm tìm đường, cách thức này khá vất vả và có chút nguy hiểm, vì thế lời khuyên của chúng tôi là bạn nên đón bình minh ở cơ sở lưu trú, sau đó mới leo lên đỉnh núi.
Không cần leo núi, bạn vẫn có thể trải nghiệm núi Phú Sĩ trọn vẹn nhất từ địa điểm du lịch xung quanh. Nếu có cơ hội, nhất định ghé thăm một lần nhé!
Đây là một danh lam thắng cảnh cực kỳ nổi tiếng với khách du lịch nước ngoài. Vào mùa xuân bạn có thể “bắt” được khung cảnh núi Phú Sĩ, ngôi chùa với toà tháp năm tầng, cũng như hoa anh đào trong một khung hình, vì thế nó là địa điểm chụp ảnh rất được ưa chuộng.
Được mệnh danh là địa điểm ngắm núi Phú Sĩ đẹp nhất Nhật Bản. Nhìn từ “Oshino Hakkai” - hồ nước có thượng nguồn là nước trên núi Phú Sĩ, bạn có thể chụp ảnh phong cảnh ngọn núi này hòa hợp với nét đẹp thiên nhiên bốn mùa.
Đây là nơi bạn có thể nhìn thấy cảnh “Sakasa Fuji” (Núi Phú Sĩ ngược) phản chiếu trên mặt hồ. Còn chần chừ gì mà không lên một chiếc thuyền và tận hưởng phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây nhỉ?
Với tổng chiều dài lên tới 400m, đây là chiếc cầu đi bộ dài nhất Nhật Bản có view nhìn thẳng ra núi Phú Sĩ. Tới đây tham quan, bạn vừa có thể có những trải nghiệm mạo hiểm như bước đi trên không trung, vừa có thể ngắm núi Phú Sĩ từ một điểm nhìn thoáng đãng.
Từ khu vực trung tâm Tokyo, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến đây. Những bức ảnh có hồ Ashi, núi Phú Sĩ và cổng Torii của Đền Hakone rất nổi tiếng. Nếu lên con thuyền cướp biển nổi tiếng ở Hakone, bạn có thể vừa du ngoạn trên mặt nước vừa ngắm cảnh núi non.
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất nhất Nhật Bản, về mặt hành chính địa lý nó thuộc hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka.
Người dân Nhật từ xa xưa đã tôn sùng và yêu mến núi Phú Sĩ như một biểu tượng của tôn giáo và một nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Tuy vậy còn rất nhiều điều thú vị về ngọn núi này mà ít người biết đến, ví dụ như đỉnh núi Phú Sĩ lại là đất sở hữu tư, hay những tên gọi đặc biệt của ngọn núi này, v.v.
Nếu muốn leo núi Phú Sĩ, vào mùa hè, bạn nên chọn leo theo lịch trình 2 ngày 1 đêm. Ngoài ra, khi leo núi, ngoài những quy tắc leo thông thường, chúng ta còn cần tuân thủ những quy tắc đặc biệt khác nữa. Bạn có thể tham dự cả những tour dành cho người nước ngoài.
Đặc biệt, LIGHTBOAT xin giới thiệu đến bạn 5 điểm du lịch mà ở đó bạn có thể chiêm ngưỡng núi Phú Sĩ một cách hoàn hảo nhất. Đó là
Công viên Arakura Yamasengen - Tỉnh Yamanashi
Làng Oshino - Tỉnh Yamanashi
Hồ Kawaguchi - Tỉnh Yamanashi
Cầu Mishima Skywalk - Tỉnh Shizuoka
Hồ Ashinoko - Tỉnh Kanagawa
Núi Phú Sĩ là biểu tượng của Nhật Bản và sự tồn tại của nó luôn được được coi như một điềm báo tốt lành. Khi đến thăm Nhật Bản, hãy ít nhất một lần trải nghiệm vẻ đẹp của núi Phú Sĩ bạn nhé!
Link nội dung: https://pmil.edu.vn/nui-phu-si-o-dau-a11277.html