Làng Sen quê Bác: Điểm đến du lịch văn hoá và trải nghiệm xứ Nghệ

Cách TP Vinh khoảng 13km, làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh được biết đến như một điểm du lịch nổi bật nhất của tỉnh Nghệ An, thu hút các du khách trong và ngoài nước. Nơi đây được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1990 và đưa vào danh sách xếp hạng 23 Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

Trong hành trình tham dự Trại hè Việt Nam 2023, đoàn thanh, thiếu niên kiều bào trở về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến thăm làng Sen quê Bác.

Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2023 tham quan Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt làng Sen.

Đoàn đại biểu tới thăm ngôi nhà đã gắn bó một thời kỳ quan trọng đầy ý nghĩa trong thời niên thiếu của Bác Hồ từ cuối năm 1901 đến giữa những năm 1906; ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc của Người. Sau 50 năm xa cách quê nhà, Bác Hồ đã trở về thăm làng Sen hai lần vào năm 1957 và 1961.

Theo tư liệu lịch sử, Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901), cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Lần đầu tiên ở làng Sen, xã Chung Cự khi đó (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) có người đỗ đạt cao.

Trước niềm vinh dự đó, nhân dân làng Sen đã trích mảnh đất rộng khoảng 2.500m2 làm vườn, mua một ngôi nhà 5 gian về dựng tại đây và mời gia đình ông Phó bảng về ở.

Ngôi nhà lợp lá mía 5 gian của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Trước nhà có 2 sân nhỏ và 1 thửa vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt. Ngôi nhà được dựng bằng tre và gỗ, lợp mái tranh mộc mạc và đơn sơ.

Nhà gồm 5 gian: Hai gian phía ngoài là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách - từng là chỗ đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh - người chị cả của Bác; hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của gia đình.

Trong đó, gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ để cụ Phó bảng nằm đọc sách, tới gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ). Kế bên là nhà ngang sử dụng làm bếp.

Các bạn trẻ tham quan bên trong ngôi nhà với nhiều hiện vật quý.

Cả hai nếp nhà đều thấp, nhỏ bé, tiêu biểu cho những nếp nhà ở làng quê nông thôn Việt Nam với vì kèo gỗ, mái hiên cùng những tấm giại - liếp; với cổng ngõ khoảng sân phía trước gắn liền không gian rộng rãi của thiên nhiên.

Trong nhà có những đồ dùng giản dị như bao nhiêu căn nhà bình dân Việt Nam khác, gồm tấm phản gỗ để nằm, chiếc chõng tre, chum sành đựng nước và cái chạn bát bằng tre… Phần nhiều đồ vật này đều do dân làng tặng và vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Ngôi nhà tranh đơn sơ của gia đình Bác khiến du khách đến thăm luôn có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động. Du khách về thăm quê Bác, có người đến lần đầu, đủ các lứa tuổi... tất cả đều bùi ngùi không muốn rời chân.

Cách làng Sen khoảng 2km là quê ngoại của Bác - làng Hoàng Trù, còn được gọi là làng Chùa, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, được mẹ nuôi dạy những năm tháng ấu thơ.

Hồng Ánh trở về từ Liên bang Nga nghẹn nghào khi nghe câu chuyện về Bác.

Bạn Hồng Ánh quê gốc Nghệ An nhưng đang sinh sống, học tập ở Liên bang Nga nghẹn ngào chia sẻ: “Gia đình em gốc miền Trung. Mặc dù em sinh ra và lớn lên ở Liên bang Nga nhưng bố mẹ luôn dạy em phải giữ gìn nguồn cội, tiếng nói quê hương. Về thăm làng Sen, em vỡ òa cảm xúc khi nghe câu chuyện về Bác và nghe tiếng nói ấm áp của người dân.

Trước đây, em chủ yếu tìm hiểu về cuộc đời của Bác Hồ bằng tiếng Nga nhưng hôm nay, nghe cô hướng dẫn viên kể chuyện, em càng xúc động. Bên Nga, rất nhiều người biết và ngưỡng mộ Bác, có cả ngôi trường dựng tượng Bác, em tự hào về điều đó”.

Cảnh quan xung quanh đến ngôi nhà và các hiện vật vẫn được chăm sóc, giữ gìn như xưa.

Chuyến thăm quê Bác giúp kiều bào trẻ thêm trân trọng lịch sử, nỗ lực cố gắng, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Hồ sen trong Khu di tích làng Sen.

Đoàn kiều bào trẻ dâng hương Nhà tưởng niệm Bác Hồ (trong khuôn viên Khu di tích).

Bên cạnh thăm quê Bác, du khách có thể thưởng thức các món ẩm thực đặc sản Nam Đàn, nghỉ ngơi tại homestay của các hộ dân ở Kim Liên.

Vào mùa sen, du khách tham quan một số nhà vườn; Trải nghiệm đi xe đạp ngắm sen, check in chụp ảnh sen; Trải nghiệm quy trình chế biến ẩm thực, thưởng thức các món ẩm thực từ sen do Hợp tác xã Nông nghiệp Sen quê Bác sản xuất; Nghe hát và giao lưu hát dân ca và hát ví phường vải do Câu lạc bộ dân ca ví dặm Hùng Sơn và Câu lạc bộ phường vải Kim Liên biểu diễn; Trải nghiệm kéo lưới cùng ngư dân đánh bắt hải sản trên biển…

Hồ Thị Nhụy, Lê Thị Như Quỳnh, Trần Quang Ninh

Link nội dung: https://pmil.edu.vn/que-bac-a11110.html