Miền tây có bao nhiêu tỉnh? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1. Miền tây có bao nhiêu tỉnh?
Miền tây (hay vùng đồng bằng sông Cửu Long) có 13 tỉnh bao gồm: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
2. Mục tiêu phát triển miền tây thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy định tại Quyết định 287/QĐ-TTg năm 2022, như sau:
- Về môi trường, sinh thái:
+ Nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 7,5 %, Bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thải đầm phá nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chủ động phòng, tránh giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
+ Giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị thông qua hiện đại hóa công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, tăng cường thu gom, xử lý và tái chế rác thải. Đến năm 2030, 100% chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp được thu gom và xử lý.
- Về văn hóa - xã hội:
+ Về giáo dục - đào tạo: Nâng cao mặt bằng học vấn và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục; phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ học sinh ở các cấp học và tỷ lệ phòng học kiên cố đạt mức bình quân cả nước.
+ Về lao động:
Phát triển Lực lượng lao động chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó chú trọng các ngành trọng tâm của vùng. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (dịch vụ và công nghiệp - xây dựng) đạt 75-80%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.
+ Về y tế:
Xây dựng hệ thống y tế toàn vùng theo hướng phủ khắp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đến năm 2030, đạt 30 giường bệnh viện; 10 bác sĩ; 2,8 dược sĩ đại học; 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.
+ Về văn hóa:
Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp phát triển du lịch.
- Về phát triển kinh tế:
+ Tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030; tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.
+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dần từ cơ cấu ngành thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn, từ công nghệ thấp sang trung bình và cao theo hướng thông minh. Đến năm 2030, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, chế biến thô, các ngành công nghệ thấp giảm xuống dưới 50%; tỷ trọng các ngành thâm dụng vốn, các ngành công nghệ trung bình và cao như hóa chất, được, máy móc thiết bị, đồ điện, phương tiện vận tải chiếm trên 40% giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến chế tạo.
+ Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021.
+ Cơ cấu kinh tế: Năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.
- Về phát triển kết cấu hạ tầng:
+ Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
+ Phát triển hạ tầng năng lượng, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo chủ động cân đối năng lượng cho nhu cầu phát triển của vùng.
+ Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời đảm bảo chủ động kiểm soát lũ, ứng phó với lũ cực đoan, phòng, chống sạt lở.
+ Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn; từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý, sản xuất và kinh doanh nước sạch. Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98 - 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 70%.
- Về quốc phòng, an ninh:
Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông biên giới, tăng cường kết nối giao thông từ hệ thống cửa khẩu quốc tế với các trung tâm phát triển nội vùng, liên vùng, kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ biên giới, hải đảo; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh.