Dị ứng lông mèo là tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải. Người bị dị ứng khi gặp mèo hoặc lông mèo sẽ xuất hiện những triệu chứng tương tự hen suyễn như ho, hắt hơi… Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sẽ gặp phải triệu chứng nghiêm trọng gây nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng này và các triệu chứng gặp phải.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dị ứng lông mèo là gì?
Dị ứng lông mèo là phản ứng của cơ thể với các protein có trong tế bào da, nước bọt hoặc nước tiểu của mèo. Các triệu chứng phổ biến gồm viêm mũi dị ứng, sổ mũi và hắt hơi. Đối với người hen suyễn, dị ứng lông mèo có thể làm tăng tình trạng hen suyễn, gây khò khè và khó thở.
Tiếp xúc trực tiếp với mèo có thể gây ra các triệu chứng như phát ban, mề đay hoặc ngứa da. Các chất gây dị ứng từ mèo cũng có thể dẫn đến việc mắt và mũi bị kích thích sau khi tiếp xúc hoặc khi ôm, vuốt ve mèo.
Hầu hết các trường hợp dị ứng lông mèo xảy ra khi người bệnh hít phải các chất gây dị ứng trong không khí, dẫn đến tích tụ nhiều chất gây dị ứng trong đường hô hấp trên và dưới.
Dị ứng với các dị nguyên từ lông mèo có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, bao gồm cả các phản ứng sốc phản vệ. Vì vậy, nếu bị dị ứng, điều quan trọng là nên tránh tiếp xúc và sống chung với mèo. Tuy nhiên, có các loại thuốc và phương pháp điều trị khác có thể giúp cải thiện các triệu chứng và kiểm soát dị ứng. Bệnh nhân nên thảo luận cụ thể với bác sĩ để được hướng dẫn tốt nhất.
2. Nguyên nhân gây ra dị ứng lông mèo
Khác với quan niệm phổ biến, lông mèo không phải là nguyên nhân chính gây ra dị ứng mà là protein của mèo có trong nước tiểu, nước bọt và vẩy da khô.
Khi tiếp xúc với lông mèo, nước bọt và thậm chí nước tiểu của mèo có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Những protein gây dị ứng có thể dính vào quần áo và lưu thông trong không khí, đọng lại trên đồ đạc, nội thất, giường ngủ và các vật dụng cá nhân trong môi trường sống.
Ngoài ra, mèo lông ngắn hoặc không lông được cho là ít gây dị ứng hơn so với các giống khác. Điều này cũng áp dụng cho dị ứng với các loài thú cưng khác.
Những yếu tố nguy cơ:
- Dị ứng với lông mèo là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là đối với những người có tiền sử dị ứng hoặc bệnh hen suyễn.
- Tiếp xúc với các động vật nuôi từ khi còn nhỏ có thể giúp giảm nguy cơ dị ứng khi trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em sống cùng chó trong giai đoạn đầu đời thường có sức đề kháng cao hơn, ít bị nhiễm trùng đường hô hấp và ít mắc các bệnh dị ứng so với trẻ không sống cùng chó.
- Ngoài ra, một số bệnh lý cơ bản có thể liên quan chặt chẽ đến dị ứng với lông mèo, chẳng hạn như dị ứng với chó, lợn, bò, ngựa và các loài vật nuôi khác.
- Khi gặp phải dị ứng với lông mèo, nên hạn chế tiếp xúc gần gũi với mèo và áp dụng các biện pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện hiệu quả các triệu chứng.
3. Dị ứng lông mèo triệu chứng là gì?
Các triệu chứng của dị ứng với lông mèo phụ thuộc vào loại protein mà người bệnh dị ứng và mức độ tiếp xúc với loại protein đó.
Các triệu chứng của dị ứng lông mèo bao gồm:
- Triệu chứng hô hấp như ho, hắt hơi, nghẹt mũi.
- Mắt bị kích ứng dẫn đến đỏ mắt.
- Ngứa da
- Ngứa mũi, vòm miệng hoặc cổ họng
- Nổi mề đay
- Khó thở
- Các cơn hen suyễn có thể xảy ra ở những người bị hen suyễn.
- Phát ban trên các khu vực tiếp xúc với lông mèo hoặc các protein khác có trong cơ thể mèo.
Nếu dị ứng không được điều trị hoặc người bệnh không tránh được các chất gây dị ứng, các triệu chứng phát sinh có thể bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, sốt, ho liên tục do tiết nhiều dịch mũi và cảm giác lạnh lẽo.
Trong trường hợp, lông hoặc các chất gây dị ứng từ mèo xâm nhập vào phổi, có thể phản ứng với kháng thể, dẫn đến các triệu chứng như khó thở, ho và khò khè.
Dị ứng lông mèo đôi khi có thể gây ra các cơn hen suyễn cấp tính và làm nặng thêm bệnh hen suyễn hoặc biến nó thành dạng mãn tính. Khoảng 30% các trường hợp dị ứng lông mèo có thể gây ra các cơn hen suyễn nghiêm trọng. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc gây khó chịu, nên thảo luận với bác sĩ.
Ngoài ra, mặc dù hiếm xảy ra, nhưng dị ứng lông mèo có thể gây ra sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể gây hạ huyết áp xuống mức nguy hiểm, khó thở, tăng nguy cơ đau tim và tử vong. Vì vậy, những người có cảm giác ngạt thở sau khi tiếp xúc với mèo nên đi bệnh viện để được điều trị kịp thời và phù hợp.
4. Phương pháp chẩn đoán
- Xét nghiệm lẩy da: Người bệnh sẽ tiếp xúc với một lượng nhỏ các chất dị ứng khác nhau tử vật nuôi, bao gồm cả lông mèo. Các phản ứng dị ứng thường xuất hiện trong vòng 15 phút và sau đó biến mất trong 30 phút. Thời gian thực hiện bài xét nghiệm lẩy da sẽ mất tầm 1 giờ để hoàn thành.
- Xét nghiệm máu: Thực hiện xét nghiệm máu được thực hiện cho các trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện xét nghiệm lẩy da. Thông qua xét nghiệm này giúp tìm ra các kháng thể gây dị ứng.
5. Những biện pháp xử lý khi dị ứng lông mèo
Để kiểm soát dị ứng với lông mèo, thường có thể sử dụng các loại thuốc dị ứng tiêu chuẩn và một số biện pháp khác. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp xử lý sau đây:
5.1. Cách điều trị nhanh chóng
Cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để xử lý dị ứng với lông mèo là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây ra dị ứng. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể cải thiện triệu chứng nhanh chóng như sau:
- Sử dụng thuốc kháng histamin như diphenhydramine, loratadine hoặc cetirizine để hạn chế sản xuất các chất hóa học trong hệ thống miễn dịch và giảm ngứa, chẳng hạn như hắt hơi, sổ mũi.
- Dùng thuốc xịt mũi corticosteroid như fluticasone hoặc mometasone để giảm viêm và kiểm soát triệu chứng viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, thuốc corticosteroid chỉ nên sử dụng ở liều thấp và trong thời gian ngắn để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Sử dụng thuốc co mạch tại chỗ như pseudoephedrine để thu nhỏ mô sưng trong đường mũi, giúp dễ thở hơn.
- Cromolyn Natri có thể được chỉ định để giảm giải phóng các hóa chất trong hệ thống miễn dịch và làm giảm triệu chứng.
- Chất điều chỉnh leukotriene có thể ngăn chặn hoạt động của một số hóa chất trong hệ thống miễn dịch và cải thiện triệu chứng dị ứng với lông mèo. Tuy nhiên, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
5.2. Biện pháp khắc phục tại nhà
Để cải thiện nhanh các triệu chứng dị ứng lông mèo, có thể áp dụng các biện pháp sau tại nhà:
- Rửa mũi bằng nước muối là một phương pháp giúp giảm nghẹt mũi và hạn chế triệu chứng chảy dịch mũi cũng như ngăn ngừa các cơn ho và hắt hơi.
- Sử dụng máy lọc không khí dạng hạt là biện pháp hiệu quả và phù hợp với người bị dị ứng lông mèo. Máy lọc không khí giúp làm giảm lượng lông mèo trong không khí bằng cách thông qua bộ lọc để giữ lại lông, vảy da và mạt bụi, cũng như các chất gây dị ứng khác như phấn hoa.
- Để có được lời khuyên cụ thể, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia có liên quan.
Ngoài các biện pháp điều trị vừa kể trên, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với mèo và lông mèo. Các biện pháp có thể tham khảo bao gồm:
- Cẩn thận khi tiếp xúc với mèo và lông mèo, vì các dị nguyên gây dị ứng có thể bám trên quần áo và gây tiếp xúc gián tiếp, dẫn đến các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng ở một số người.
- Không nên chạm, ôm hoặc hôn mèo và tránh các hoạt động tiếp xúc khác.
- Nếu phải ở trong nhà của người nuôi mèo, yêu cầu chủ nuôi giữ mèo ở ngoài phòng ngủ ít nhất vài tuần trước khi bệnh nhân đến. Hơn nữa, sử dụng thuốc chống dị ứng trước khi tiếp xúc cũng có thể ngăn ngừa và kiểm soát các phản ứng dị ứng có thể xảy ra.
Đối với người nuôi mèo, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với mèo càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, đảm bảo có một thành viên khác trong nhà cùng chăm sóc mèo. Người bệnh nên chú ý đến các vấn đề như:
- Hạn chế khu vực hoạt động của mèo và không cho phép mèo đi lang thang tự do trong nhà, đặc biệt là không để mèo vào phòng ngủ.
- Giữ khoảng cách với mèo và tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt.
- Giữ mèo ở ngoài nhà nhiều nhất có thể, với điều kiện đảm bảo an toàn cho mèo.
- Cân nhắc việc tắm mèo thường xuyên để hạn chế khả năng gây dị ứng.
- Làm sạch bề mặt các vật dụng trong nhà thường xuyên vì lông mèo có thể có ở khắp nơi. Vì vậy, người bệnh nên lau chùi, hút bụi thảm, quét dọn sàn nhà và làm sạch đồ đạc thường xuyên để duy trì môi trường sống sạch sẽ.
Dị ứng lông mèo là một trong những loại dị ứng thường gặp. Bệnh gây ra những triệu chứng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể xuất hiện một số phản ứng nghiêm trọng gây nguy hiểm. Vì thế bệnh nhân cần kiểm tra và có biện pháp xử lý nhanh chóng khi bị dị ứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.