Chương trình Ngữ văn 6 xuất hiện hai đơn vị kiến thức đặc biệt quan trọng nhưng lại khiến học sinh rất dễ nhầm lẫn, đó chính là: biện pháp tu từ ẩn dụ và biện pháp tu từ hoán dụ.
Hiểu được những khó khăn học sinh sẽ gặp phải khi làm những dạng bài tập phân biệt biện pháp tu từ, thầy Nguyễn Phi Hùng- giáo viên bộ môn Ngữ văn của Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có những chia sẻ giúp học sinh dễ dàng nhận biết thành phần ẩn dụ, hoán dụ trong các câu văn, câu thơ, đồng thời phân biệt rõ ràng hai biện pháp.
Điểm giống nhau giữa ẩn dụ và hoán dụ
Theo khái niệm trong SGK, ẩn dụ là việc gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương đồng (giống nhau) giữa chúng. Ẩn dụ gồm bốn loại, cụ thể:
- Ẩn dụ hình thức: là việc người nói hoặc người viết giấu đi một phần ý nghĩa. Ví dụ: “Về thăm quê Bác làng Sen/ Có hàng dâm bụt thắp lên lửa hồng”. Câu thơ có sử dụng hình ảnh ẩn dụ “lửa hồng” để nói về hoa râm bụt dựa trên sự tương đồng về hình thức là màu đỏ của lửa và của hoa râm bụt.
- Ẩn dụ cách thức: thể hiện một vấn đề bằng nhiều cách, việc ẩn dụ này giúp người diễn đạt đưa hàm ý vào câu nói. Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Câu tục ngữ sử dụng biện pháp ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về cách thức là ăn quả tương đồng với hưởng thành quả lao động, còn trồng cây tương đồng với công lao người tạo ra thành quả.
- Ẩn dụ phẩm chất: là việc thay thế phẩm chất của sự vật hoặc hiện tượng này bằng phẩm chất của sự vật, hiện tượng khác cả hai phải có nét tương đồng. Ví dụ: “Người cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm”. Câu thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ dựa trên sự tương đồng về phẩm chất của người cha với Bác Hồ. Hình ảnh Bác chăm lo giấc ngủ cho các chiến sĩ giống như người cha ruột đang chăm sóc cho những đứa con yêu của mình..
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: là miêu tả tính chất, đặc điểm của sự vật được nhận biết bằng giác quan này nhưng lại được miêu tả bằng từ ngữ sử dụng cho giác quan khác. Ví dụ: “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng”. Câu thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ dựa trên sự chuyển cảm giác từ thị giác sang xúc giác. Những giọt sương long lanh phải được cảm nhận bằng thị giác nhưng ở đây lại được chuyển sang xúc giác.
Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh cách phân biệt 2 biện pháp tu từ
Trong khi đó, hoán dụ là việc gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương cận (gần gũi) giữa chúng. Hoán dụ cũng được chia thành 4 loại như sau:
- Lấy một bộ phận để chỉ cái toàn thể: ví dụ cụ thể “Một trái tim lớn lao đã giã từ cuộc đời/ Một khối óc lớn đã ngừng sống”. Hình ảnh hoán dụ “một trái tim lớn” để chỉ cả con người của Bác Hồ - vị lãnh tụ, cha già kính yêu của chúng ta.
- Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng: “Vì sao Trái Đất nặng ân tình/ Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh”. Hình ảnh hoán dụ “Trái Đất” để chỉ tất cả những con người đang sống trên trái đất, không chỉ người Việt Nam mà cả người dân trên Thế giới sẽ đều nhớ đến vị Lãnh tụ vĩ đại.
- Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật: ví dụ như “Sen tàn, cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”. Hoa sen nở vào mùa hè, hoa cúc là đại diện của mùa thu. Việc nhắc đến hai loài hoa này là hoán dụ cho hai mùa hè, thu trong năm.
- Lấy cái cụ thể chỉ cái trừu tượng: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” là ví dụ điền hình cho loại hoán dụ này. Hình ảnh “một cây” để chỉ sự đơn lẻ không đoàn kết “ba cây” để là chỉ số lượng nhiều, tinh thần tập thể. Câu ca dao đã sử dụng những hình ảnh cụ thể để nói về chân lí trừu tượng một mình ta làm sẽ không bằng chúng ta đoàn kết lại cùng nhau làm.
Từ khái niệm của ẩn dụ và hoán dụ, có thể thấy ẩn dụ và hoán dụ đều là những biện pháp tu từ giúp sự diễn đạt thêm sinh động, tăng sự gợi cảm gợi hình, đồng thời bản chất của hai biện pháp tu từ này đều là cách gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác.
Điểm khác nhau giữa ẩn dụ và hoán dụ
Mối liên hệ giữa hai sự vật chính là yếu tố quyết định để phân biệt biện pháp tu từ đó là ẩn dụ hay hoán dụ.. Nếu hai sự vật có mối quan hệ tương đồng, có đặc điểm giống nhau thì ta có biện pháp tu từ ẩn dụ. Mặt khác, nếu mối quan hệ giữa chúng là tương cận, có sự gần gũi nhau thì ta có biện pháp tu từ hoán dụ.
Nhằm giúp học sinh phân biệt được rõ đâu là biện pháp ẩn dụ, đâu là hoán dụ, thầy Hùng đã chia sẻ một mẹo nhỏ “Bản chất của ẩn dụ là phép so sánh ngầm. Bởi vậy, khi nghi ngờ chưa biết đây là ẩn dụ hay hoán dụ, ta chỉ cần xác định hai sự vật A và B, sau đó cho quan hệ từ “như” vào giữa. Nếu nó hợp lý, thì đó chính là phép so sánh ngầm, tức là ẩn dụ. Trong trường hợp câu văn trở nên phi logic, ta có thể chắc chắn đó chính là biện pháp hoán dụ.”
Thầy Hùng chỉ ra điểm khác biệt giữa biện pháp ẩn dụ và biện pháp hoán dụ
Ví dụ
“Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn liền với thành thị đứng lên.”
Nhìn vào câu thơ, ta có thể thấy những từ “áo nâu”, “áo xanh”, “nông thôn”, “thành thị” là những từ đã bị thay đổi tên gọi. Hình ảnh “áo nâu” giúp ta liên tưởng ngay đến những người nông dân, “áo xanh” là người công nhân”, “nông thôn” chỉ những người sống ở vùng ngoại ô còn “thành thị” chỉ những người đang sống ở những tỉnh, thành phố lớn.
Khi thêm từ so sánh “áo nâu như người nông dân” không hợp lý. Áo nâu là trang phục đặc trưng của người nông dân chứ họ không thể giống như chiếc áo, bởi một cái là sự vật còn kia là cả một con người. Đây không thể là mối quan hệ tương đồng. Tương tự, sử dụng phép thử với lần lượt các hình ảnh, ta có thể thấy cả hai câu thơ trên đều sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ.
Qua những chia sẻ bổ ích của thầy Nguyễn Phi Hùng, mong rằng phụ huynh có thể dễ dàng chỉ dạy cho con mình cũng như học sinh có thể thành thạo trong việc phân biệt, áp dụng hai biện pháp tu từ trên vào bài tập.
Hiện nay, các khoá học môn Ngữ văn 6 của thầy Nguyễn Phi Hùng đang được triển khai trên toàn Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Đặc biệt, Chương trình Học tốt 2019-2020 bao gồm hai khoá Cơ bản và Ôn luyện sẽ cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh để tự tin bứt phá trong năm học mới.
Mọi thắc mắc liên quan đến chương trình Học Tốt 2019 - 2020, phụ huynh và học sinh vui lòng liên hệ cho HOCMAI qua hotline 0936 58 58 12 để được giải đáp nhanh chóng và miễn phí!