Soạn bài Cây tre Việt Nam Kết nối tri thức
Bài giảng Ngữ văn lớp 6 Tập 1 Soạn bài Cây tre Việt Nam
A. Soạn bài Cây tre Việt Nam ngắn gọn
Câu 1 (trang 99 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Vẻ đẹp của cây tre Việt Nam được tác giả miêu tả cụ thể qua những chi tiết, hình ảnh nào?
Trả lời:
- Tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp cây tre cả về hình dáng và phẩm chất:
+ Tre có thể mọc xanh tốt ở mọi nơi;
+ Dáng tre vươn mộc mạc và thanh cao;
+ Mầm măng non mọc thẳng;
+ Màu xanh của tre tươi nhũn nhặn.
+ Tre cứng cáp mà lại dẻo dai, vững chắc;
+ Tre luôn gắn bó, làm bạn với con người trong nhiều hoàn cảnh;
+ Tre thẳng thắn, bất khuất cùng con người chiến đấu giữ làng, giữ nước;
+ Tre còn giúp con người biểu lộ tâm hồn, tình cảm qua âm thanh của các nhạc cụ bằng tre.
→ Cây tre được nhân hóa mang những phẩm chất của con người. Tre là biểu tượng cao quý cho vẻ đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Câu 2 (trang 99 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Những từ ngữ nào trong văn bản biểu đạt rõ nhất hình ảnh của cây tre?
Trả lời:
Những từ ngữ nào trong văn bản biểu đạt rõ nhất hình ảnh của cây tre: mọc thẳng, không chịu khuất, thanh cao, giản dị, chí khí,..
Câu 3 (trang 99 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Khi nói về cây tre, tác giả đồng thời nói đến khung cảnh, cuộc sống, văn hóa của Việt Nam. Hãy chỉ ra những chi tiết đó trong bài.
Trả lời:
Những chi tiết khung cảnh, cuộc sống, văn hóa của Việt Nam trong bài:
- Tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.
- Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Đã từ lâu đời, dưới bóng tre xanh con người Việt Nam đã làm ăn sinh sống và gìn giữ một nét văn hoá cổ truyền.
- Trong cuộc sống đời thường, tre gắn bó với con người thuộc mọi lứa tuổi:
+ Với tuổi thơ, tre là nguồn vui - các bạn nhỏ chơi chuyền đánh chắt bằng tre
+ Với lứa đôi nam nữ thì dưới bóng tre là nơi hò hẹn tâm tình
+ Với tuổi già hút thuốc làm vui thì có chiếc điếu cày...
- Cây tre tiếp tục gắn bó thân thiết với dân tộc Việt Nam trong hiện tại và mãi mãi sau này. Tre với những phẩm chất quý báu của nó lưu giữ biết bao giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, vẫn còn mãi với các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau, với bao niềm tự hào và kiêu hãnh.
Câu 4 (trang 99 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Vì sao tác giả có thể khẳng định “Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam”?
Trả lời:
Tác giả khẳng định “Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam” vì vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của cây tre Việt Nam, sự gắn bó với thế hệ người Việt Nam từ khi kháng chiến đến hòa bình chính là sự kiên cường, bất khuất, gan dạ. Đó cũng chính là tính cách, nét đẹp cao quý của người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Câu 5 (trang 99 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Tìm một số chi tiết, hình ảnh cụ thể làm rõ cho lời khẳng định của tác giả “cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam".
Trả lời:
- “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa".
- Cũng bởi vậy mà tre có mặt ở khắp mọi nơi: “Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi,... đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn".
=> Việt Nam có nhiều loại cây nhưng có lẽ gắn bó sâu sắc nhất với người nông dân vẫn là cây tre hiền hòa.
Câu 6 (trang 99 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Em đang sống ở thời điểm "ngày mai" mà tác giả nói đến trong văn bản, "khi sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa". Theo em, vì sao cây tre vẫn là hình ảnh vô cùng thân thuộc đối với đất nước, con người Việt Nam.
Trả lời:
Em đang sống ở thời điểm hiện đại, khi sắt thép xi măng đã dần thay thế cho tre. Nhưng không vì thế mà tre mất đi vị thế của mình:
- Tre vẫn xuất hiện trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi, qua hình ảnh “măng mọc"
- Trên đường làng, tre vẫn xanh và tỏa bóng mát cùng những cơn gió hiền hòa cho thôn xóm.
- Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình đong đưa theo gió, reo vui với muôn loài.
- Tre chiếm một vị thế quan trọng trong quần thể Lăng Chủ tịch như thể canh giác, che chở cho giấc ngủ của Bác.
- Cây tre với những phẩm chất quý báu của nó lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hoá, là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam nên cho dù xã hội phát triển thế nào thì tre luôn còn mãi với các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.
B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Cây tre Việt Nam
I. Tác giả
1. Cuộc đời
- Thép Mới (1925-1991), tên khai sinh là Hà Văn Lộc, quê ở quận Tây Hồ, Hà Nội, sinh ra ở thành phố Nam Định
- Ngoài báo chí, Thép Mới còn viết nhiều bút kí, thuyết minh phim.
- Ông là một nhà văn nổi tiếng tại Việt Nam, chuyên viết về đề tài Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
- Ông còn có bút danh khác là Phượng Kim, Hồng Châu.
- Ông mất 28 tháng 8 năm 1991 tại TP. Hồ Chí Minh.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm tiêu biểu
- Thép đã tôi thế đấy, tiểu thuyết của Nikolai Ostrovsky (dịch, năm 1955)
- Kháng chiến sau lũy tre, trên đồng lúa (bút ký, năm 1947)
- Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin (thuyết minh phim, năm 1980)
- Trách nhiệm (bút ký, năm 1951)
- Hữu nghị (bút ký, năm 1955)
- Ý nghĩ người phóng viên kháng chiến (bút ký, năm 1948)…
- Cây tre Việt Nam
b. Giải thưởng
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất,
- Huân chương Độc lập hạng Nhất,
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ:
- Bài “Cây tre Việt Nam” sáng tác năm 1955, là lời bình cho bộ phim cùng tên của nhà điện ảnh Ba Lan.
- Bộ phim thông qua hình ảnh cây tre, thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
2. Bố cục:
- Đoạn 1: Từ đầu đến “chí khí như người” ⟶ Cây tre có mặt ở khắp nơi trên đất nước và có những phẩm chất đáng quý.
- Đoạn 2: Tiếp theo đến “chung thuỷ” Tre gắn bó với con người trong cuộc sống hằng ngày và trong lao động.
- Đoạn 3: Tiếp theo đến “Tre, anh hùng chiến đấu” ⟶ Tre sát cánh với con người trong cuộc sống chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước.
- Đoạn 4: Còn lại ⟶ Tre vẫn là người bạn đồng hành của dân tộc ta trong hiện tại và tương lai.
3. Tóm tắt:
Bài tùy bút - Cây tre Việt Nam miêu tả vẻ đẹp của cây tre, một loài cây giàu sức sống, thanh cao mà giản dị. Cây tre gắn bó với con người từ rất lâu, trong sinh hoạt, sản xuất cũng như trong chiến đấu. Hình ảnh cây tre cũng giống như những con người Việt Nam, sống ngay thẳng, chung thủy và can đảm. Cây tre mang phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.
4. Giá trị nội dung:
- Cây tre là người bạn thân thiết lâu đời của người nông dân và nhân dân Việt Nam.
- Cây tre có vẻ đẹp bình dị và nhiều phẩm chất quý báu.
- Cây tre đã thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
5. Giá trị nghệ thuật:
- Nhiều chi tiết, hình ảnh chọn lọc mang ý nghĩa biểu tượng.
- Sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hóa, lời văn giàu cảm xúc và nhịp điệu.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay, ngắn gọn khác:
Thực hành tiếng Việt trang 99
Tập làm một bài thơ lục bát; Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát
Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương
Củng cố và mở rộng trang 106
Thực hành đọc: Hành trình của bầy ong trang 106