Trong não bộ, đại não có kích thước lớn nhất, xử lý các suy nghĩ và hành động có ý thức của con người. Các vùng khác nhau trong đại não có những vai trò khác nhau. Vậy đại não là gì? Giải phẫu đại não, chức năng của đại não và cấu tạo của đại não ra sao?
Đại não là gì?
Đại não là phần lớn nhất của não, gồm vỏ đại não (đây là lớp ngoài cùng của đại não), hai bán cầu đại não và vài cấu trúc dưới vỏ não khác, trong đó có hồi hải mã, hành khứu giác, hạch nền…
Đại não được chia thành bán cầu đại não phải và trái gần như đối xứng. Đại não hoạt động theo hướng đối xứng, tức là bán cầu đại não phải điều khiển, xử lý những tín hiệu từ bên trái cơ thể và bán cầu đại não trái điều khiển, xử lý những tín hiệu từ bên phải cơ thể. (1)
Vị trí của đại não
Khi quan sát trong não, vị trí của đại não nằm ở phần trên của khoang sọ bên trong hộp sọ. Đại não xếp trên thân não, tiểu não nằm ở phía sau. Như đã nói, đại não được chia thành hai nửa hay còn gọi là hai bán cầu và được bao phủ bởi các nếp gấp. Hai nửa bán cầu nối với nhau bằng một cầu nối (còn gọi là thể chai), băng qua một rãnh lớn và sâu được gọi là khe não dọc (khe liên bán cầu) chạy dọc từ phía trước đầu ra phía sau. (2)
Giải phẫu đại não người
Đại não chiếm khoảng 80% tổng thể tích của não. Đại não của người lớn có thể tích gấp khoảng 3 - 3,2 lần một quả bóng chày. Vậy cấu tạo đại não cụ thể như thế nào?
1. Cấu tạo bên ngoài đại não
Bề mặt ngoài của đại não được bao phủ bởi vỏ não trải rộng trên các thùy ghép đôi. Đại não có nhiều rãnh khác nhau, chia đại não thành các thùy và các phần. Hai bán cầu não trái và phải của đại não được chia tách thông qua rãnh liên bán cầu.
Rãnh sâu chia đại não thành bốn thùy, cụ thể bao gồm: thùy trán, thùy thái dương, thùy đỉnh, thùy chẩm. Thùy đỉnh và thùy trán được ngăn cách bằng rãnh đỉnh. Rãnh thái dương ngăn cách thùy thái dương, thùy đỉnh, thùy trán. (3)
2. Cấu tạo bên trong đại não
Cấu tạo bên trong đại não bao gồm chất trắng và chất xám. Chất xám dày khoảng 2 - 3 mm, bao gồm 6 lớp ở ngoài vỏ não. Chất trắng chứa hầu hết là các dây thần kinh kết nối các vùng của vỏ não cũng như kết nối hai nửa đại não với nhau.
Chức năng của đại não như thế nào?
Chúng ta đã biết cấu tạo của đại não như thế nào, vậy đại não có chức năng gì? Đại não xử lý phần lớn những hành động có ý thức của con người, chịu trách nhiệm cho những yếu tố đòi hỏi phải suy nghĩ, gồm có: (4)
- Năm giác quan: Đại não quản lý cũng như xử lý mọi thứ mà các giác quan của bạn tiếp nhận, bao gồm: vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác và xúc giác.
- Ngôn ngữ: Nhiều phần khác nhau của đại não điều khiển khả năng nói, viết, đọc.
- Hành vi và tính cách: Thùy trán - một phần của đại não là nơi quản lý tính cách và hành vi. Thùy trán hoạt động như bộ lọc để con người chọn lọc thực hiện hay nói những điều có ý thức, ý nghĩa.
- Vận động: Một số vùng nhất định trên đại não gửi tín hiệu đến các cơ (cho biết cần phải làm gì) khi bạn cần sử dụng chúng.
- Học tập, lý luận: Những vùng khác nhau của đại não hoạt động cùng nhau khi bạn cần học kỹ năng mới, giải quyết vấn đề hoặc lập kế hoạch hành động.
- Bộ nhớ làm việc: Đây là loại bộ nhớ ngắn hạn. Lấy ví dụ về bộ nhớ làm việc là khi bạn nhắc nhở bản thân mua một thứ gì đó.
Các tình trạng sức khỏe và rối loạn có thể ảnh hưởng đến đại não
Bên cạnh việc tìm hiểu về cấu tạo và chức năng của đại não, mỗi người cũng cần biết các tình trạng sức khỏe, rối loạn nào có thể ảnh hưởng đến đại não; trong đó bao gồm những vấn đề sức khỏe tâm thần kinh, chẳng hạn như:
- Bệnh Alzheimer: Đây là loại bệnh thoái hóa thần kinh gây mất trí nhớ (xảy ra phổ biến nhất). Tác nhân gây bệnh có thể bao gồm sự kết hợp của các thay đổi liên quan đến vấn đề tuổi tác ở não (trong đó có đại não), cùng với những yếu tố môi trường, yếu tố di truyền và lối sống. Những triệu chứng người mắc bệnh Alzheimer có thể gặp phải bao gồm: giảm khả năng giao tiếp, co giật, ít quan tâm đến việc ăn uống/giảm cân, không có nhận thức về các trải nghiệm gần đây/môi trường xung quanh, ngủ nhiều, khó nuốt…
- Đột quỵ não: Xảy ra khi não đột ngột bị tổn thương do mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não). Đột quỵ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như: khiến người bệnh bị liệt, hôn mê,… thậm chí tử vong.
- Chấn thương sọ não: Tình trạng này xảy ra khi một chấn thương bất ngờ làm tổn thương não nói chung hoặc đại não nói riêng, ví dụ như: té ngã khiến đầu đập mạnh vào vật thể cứng, một cú đánh vào đầu, tai nạn,… Chấn thương sọ não có thể diễn ra ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng.
- Động kinh: Đây là căn bệnh mạn tính xảy ra do sự bất thường trong não, gây kích thích cùng lúc một nhóm những tế bào thần kinh của vỏ não. Điều này tạo ra sự phóng điện đột ngột không thể kiểm soát. Khoảng 30 - 40% trường hợp bị động kinh chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Người bệnh động kinh có thể gặp các triệu chứng như co giật, co cứng một phần hoặc toàn bộ cơ thể…
- Parkinson: Bệnh Parkinson khởi phát khi những tế bào thần kinh trong chất đen (là một cấu trúc quan trọng trong não, đóng vai trò chủ chốt trong việc điều tiết vận động) dần bị phá vỡ hoặc chết đi. Người mắc bệnh Parkinson có thể bị cứng cơ, run, có biểu hiện chậm khi thực hiện động tác bất kỳ. Nguyên nhân gây bệnh Parkinson hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Ngoài sự thiếu hụt dopamine, những yếu tố kích thích bệnh Parkinson khởi phát có thể bao gồm: môi trường, di truyền…
- Các bệnh lý hoặc rối loạn khác: Bao gồm chứng rối loạn lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn bẩm sinh (chẳng hạn như bệnh Menkes), trầm cảm, rối loạn di truyền (ví dụ như bệnh Wilson), rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), tâm thần phân liệt, thiếu hụt vitamin và các vấn đề về dinh dưỡng (chẳng hạn như nồng độ vitamin B12 thấp, suy giáp), đau đầu, viêm màng não, não úng thủy, u não, tụ máu não, phù não… cũng có thể tác động đến đại não.
Cách chẩn đoán sức khỏe đại não
Hiện có nhiều loại xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ chẩn đoán những tình trạng, bệnh lý tác động đến não, bao gồm cả đại não, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu: Thông qua phương pháp xét nghiệm máu, bác sĩ có thể phát hiện nhiều vấn đề sức khỏe, ví dụ như tình trạng bất thường ở hệ thống miễn dịch, cơ thể bị nhiễm độc tố, …
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính sử dụng máy tính và một loạt tia X tạo ra hình ảnh của xương, mô mềm, trong đó có não, đại não. Chụp CT không gây đau, không xâm lấn.
- Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI): Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh rõ nét về các cơ quan, cấu trúc trong cơ thể thông qua việc sử dụng một nam châm lớn, sóng vô tuyến và máy tính. Chụp MRI không dùng tia X hay những loại bức xạ khác, không gây đau, không xâm lấn. Kỹ thuật này thường được bác sĩ ứng dụng khi cần chụp các cấu trúc hoặc cơ quan (đặc biệt là não, đại não).
- Điện não đồ (EEG): Kỹ thuật này giúp đo hoạt động điện tự nhiên phát sinh từ não. Các điện cực sẽ được đặt lên da đầu của người bệnh để theo dõi hoạt động của não và gửi ngược thông tin vừa đo được đến một máy ghi lại hoạt động của não.
- Điện cơ đồ: Đây là một kỹ thuật xét nghiệm điện chẩn đoán. Thông qua kết quả nhận được, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe cũng như chức năng của cơ, xương và các dây thần kinh điều khiển chúng.
- Chọc dò tủy sống (chọc dò thắt lưng): Trong kỹ thuật này, dịch não tủy trong cột sống sẽ được thu thập để mang đi xét nghiệm. Thông qua kết quả chọc dò tủy sống, bác sĩ có thể chẩn đoán một số bệnh lý tác động đến não, tủy sống, dây thần kinh.
Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ được nhiều người bệnh tin tưởng đến thăm khám, chữa trị hiệu quả nhiều bệnh lý về thần kinh, tủy sống, não bộ (bao gồm cả các căn bệnh, rối loạn tác động đến đại não).
Bệnh viện có đội ngũ Chuyên gia, Bác sĩ đầu ngành, nhiều năm kinh nghiệm, cùng hệ thống máy móc, công nghệ tiên tiến như: máy chụp CT 1975 lát cắt đồng bộ chính hãng duy nhất tại Việt Nam, máy chụp MRI 1,5 - 3 Tesla, hệ thống máy xét nghiệm máu hiện đại, máy điện não, điện cơ hiện đại, robot mổ não AI Modus V Synaptive, kính vi phẫu thế hệ mới có chức năng chụp huỳnh quang 3D, hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation AI thế hệ mới…
Hướng dẫn cách chăm sóc đại não khỏe mạnh
Mỗi người có thể chủ động áp dụng một số cách để chăm sóc, duy trì sức khỏe cho não bộ nói chung và đại não nói riêng:
- Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng: Việc thiếu hụt một số loại vitamin (như vitamin B12) và dưỡng chất có thể tác động đến não, bao gồm cả đại não, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.
- Duy trì mức cân nặng khỏe mạnh, hoạt động thể chất đều đặn: Những vấn đề về tim mạch, tuần hoàn cũng có khả năng ảnh hưởng đến não. Đột quỵ chính là ví dụ điển hình, thường xảy ra do những vấn đề về tim. Duy trì cân nặng khỏe mạnh và luyện tập thể thao có thể giúp làm giảm nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch, tuần hoàn.
- Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng: Việc phòng tránh và nhanh chóng điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng tai, mắt là điều cần thiết. Khi các căn bệnh nhiễm trùng lây lan đến não, chúng có thể diễn biến nặng hơn, thậm chí gây tử vong.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Một số loại thuốc có thể tác động đến não, bao gồm cả đại não nếu không sử dụng đúng cách. Thế nên, mỗi người cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu gặp triệu chứng mới, nghi có liên quan đến não, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ biết.
- Đeo đồ bảo hộ an toàn: Các chấn thương ở đầu có thể tác động nghiêm trọng đến não, gây chấn động hoặc chấn thương sọ não. Đeo đồ bảo hộ an toàn khi vui chơi, làm việc, tham gia giao thông… có thể giúp bảo vệ não khỏi các loại chấn thương ở đầu.
- Kiêng hút thuốc, tránh dùng quá nhiều rượu bia, chất kích thích: Hút thuốc lá, hít khói thuốc lá có thể làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Dùng quá nhiều rượu bia cũng có hại cho não, có thể làm gia tăng nguy cơ bị đột quỵ, run rẩy, gặp vấn đề về trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng… Lạm dụng chất kích thích có thể làm não bị tổn thương, khiến bạn có nguy cơ gặp chứng co giật, đột quỵ.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Đại não là bộ phận phát triển nhất trong não, giữ nhiều chức năng quan trọng. Bất kỳ bệnh lý nào ảnh hưởng đến đại não cũng đều có thể gây ra các triệu chứng nặng, biến chứng nguy hiểm. Mỗi người cần chủ động đi khám chuyên khoa thần kinh định kỳ, bảo vệ sức khỏe cho đại não nói riêng và não bộ nói chung.