Cách điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật sẽ được các bác sĩ ưu tiên hơn khi tình trạng bệnh đang trong giai đoạn nhẹ. Nguyên nhân là vì căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa do nhịp sống đầy căng thẳng của xã hội hiện nay. Do đó, việc áp dụng các cách chữa bệnh trĩ không cần phẫu thuật sẽ giúp người bệnh nhanh chóng giảm bớt những triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Cách điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật được áp dụng khi nào?
Bệnh trĩ hình thành do các đám rối tĩnh mạch trĩ bị giãn quá mức. Dù không phải là bệnh ác tính, nhưng trĩ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, gây ngứa rát và đau đớn vùng hậu môn, đặc biệt trong khi đại tiện.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như hoại tử búi trĩ, nhiễm trùng máu, thậm chí đe dọa tính mạng.
Đối với trĩ ngoại, bệnh có 4 giai đoạn khác nhau bao gồm:
- Giai đoạn 1: Búi trĩ mới hình thành, chưa có triệu chứng rõ ràng.
- Giai đoạn 2: Búi trĩ phát triển và lòi ra ngoài hậu môn, gây vướng víu và khó chịu cho bệnh nhân.
- Giai đoạn 3: Búi trĩ lớn, tắc mạch, gây đau và xuất huyết.
- Giai đoạn 4: Búi trĩ viêm nặng, sưng đau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hoạt động của người bệnh.
Trong giai đoạn nhẹ, bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ ràng và cũng không có bất kỳ khó chịu nào. Lúc này, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt đúng cách. Thời gian điều trị của bệnh nhân ở giai đoạn này thường kéo dài khoảng 1 tháng. Ở giai đoạn 3 và 4, khi búi trĩ đã lớn và có nguy cơ xuất hiện biến chứng như nhiễm trùng, trĩ ngoại tắc mạch hay hoại tử, người bệnh cần phải phẫu thuật.
Như vậy, có thể thấy rằng cách điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật được áp dụng hiệu quả khi bệnh được phát hiện và can thiệp ở giai đoạn sớm, giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
2. Các nguyên tắc khi điều trị bệnh trĩ
Phương pháp điều trị bệnh trĩ giai đoạn đầu thường tuân theo các nguyên tắc sau:
- Người bệnh cần thay đổi lối sống, sử dụng các loại đệm ngồi có khoét lỗ, thực hiện các bài tập dành cho hậu môn và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung collagen, chất xơ, vitamin… Đây là nguyên tắc cơ bản trong điều trị trĩ không phẫu thuật.
- Phẫu thuật thường được áp dụng cho những trường hợp trĩ cấp độ 4 có triệu chứng rõ rệt, trĩ nội bị thắt nghẹt, trĩ cấp độ 3 có triệu chứng hoặc bệnh nhân trĩ huyết khối.
- Với bệnh nhân mắc trĩ ngoại huyết khối, bác sĩ cần đánh giá và thực hiện can thiệp phẫu thuật trong vòng 24 giờ sau khi huyết khối xuất hiện. Điều này giúp giảm tình trạng sưng, đau ở người bệnh. Vì tình trạng đau và phù nề thường trầm trọng nhất sau 48 giờ.
- Khi phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ huyết khối, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc gây tê tại chỗ.
3. Cách điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật
Nhìn chung, không phải tất cả trường hợp bệnh nhân bị trĩ đều phải tiến hành phẫu thuật. Đây là một bệnh có thể được điều trị nội khoa mà không cần sử dụng tới dao kéo. Phẫu thuật sẽ là phương án điều trị cuối cùng khi các cách điều trị khác không có tác dụng hoặc trong trường hợp bệnh nhân bị trĩ quá nặng.
- Đối với bệnh trĩ từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 (nếu búi trĩ nhỏ): Búi trĩ lúc này vẫn còn nhỏ, trĩ ngoại cũng chưa biến chứng hoàn toàn. Vì thế, bệnh nhân có thể không cần thực hiện các cuộc phẫu thuật.
- Đối với bệnh nhân bị trĩ cấp độ 3 có búi trĩ to, cấp độ 4 hoặc trĩ ngoại có biến chứng: Lúc này, một cuộc phẫu thuật là điều cần thiết.
Cách để điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật gồm:
- Thuốc: Thuốc được dùng trong việc điều trị các cơn trĩ cấp hoặc trĩ gây chảy máu, người bệnh bị ngứa rát hậu môn hoặc sưng nề.
- Giải quyết tình trạng táo bón: Người bệnh có thể ăn nhiều chất xơ (rau củ quả), uống nhiều nước (2,5 lít nước mỗi ngày, tốt nhất là nước đun sôi), không ăn đồ cay nóng, hạn chế chất kích thích (ớt, rượu, tỏi, bia, cà phê). Cùng với đó, bệnh nhân nên vận động thường xuyên và hợp lý như tập thể dục mỗi lần 60 phút, mỗi tuần 5 lần. Hoặc, bệnh nhân có thể sử dụng men vi sinh có chứa chất xơ hoà tan để chống táo bón.
- Giảm đau: Dùng dung dịch nước muối ưu trương và làm thành nước đá. Sau đó, dùng nước đá này chườm vào hậu môn. Bệnh nhân cũng có thể ngâm hậu môn trong nước ấm vài lần trong ngày để giảm đau do trĩ.
4. Phòng ngừa và hạn chế bệnh trĩ
Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh trĩ là điều vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ cho người bệnh khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh trở nên nặng hơn đối với các bệnh nhân đang mắc trĩ. Cùng với đó, các biện pháp này cũng giúp hạn chế bệnh tái phát và giảm nhẹ tình trạng.
Các phương pháp dưới đây cũng đặc biệt hữu ích cho những người đã phẫu thuật cắt trĩ. Cụ thể, các biện pháp để phòng ngừa bệnh trĩ bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống: Tăng cường chất xơ và uống nhiều nước.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Duy trì thói quen vận động thường xuyên.
- Cân bằng chế độ làm việc và sinh hoạt: Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày, tránh căng thẳng kéo dài, và hạn chế công việc đòi hỏi gắng sức hoặc mang vác nặng.
- Tạo thói quen đi đại tiện đều đặn: Không rặn mạnh, không ngồi lâu trên bồn cầu và tư thế ngồi tốt nhất là ngồi xổm.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh trĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.