Trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, cả 3 lứa tuổi sinh “năm vàng” đều bước vào cuộc đua cam go giành suất học. Không chỉ học sinh mệt nhoài, mà cha mẹ cũng “bở hơi tai” chạy đua cùng con.
Con thi, cha mẹ “ngồi trên lửa”
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm học 2018 - 2019, 3 lứa tuổi tuyển sinh đầu cấp năm học tới đều rơi vào “năm vàng”. Học sinh sinh năm 2012 - Nhâm Thìn (rồng vàng) vào lớp 1. Học sinh sinh năm 2007 - Đinh Hợi (lợn vàng) vào lớp 6. Học sinh sinh năm 2003 - Quý Mùi (dê vàng) vào lớp 10.
Do tâm lý nhiều người muốn sinh con vào năm đẹp, nên lượng học sinh chuyển cấp trên cả nước đều tăng đột biến. Nơi chịu tác động nhiều nhất là các thành phố lớn, như Hà Nội và TPHCM.
Tại TPHCM, năm học 2018 - 2019, số học vào lớp 1 dự kiến tăng khoảng 20.000 em, lớp 6 tăng khoảng 8.000 em và số học sinh lớp 10 tăng khoảng 21.000 em.
Còn tại Hà Nội, số trẻ chuyển cấp năm nay cũng tăng không kém: Vào lớp 1 tăng khoảng 20.000 em, số trẻ vào lớp 6 tăng 11.000 em và số trẻ vào lớp 10 tăng khoảng 24.000 em so với mọi năm.
Các năm trước, sĩ số học sinh/lớp ở nhiều nơi đã trong tình trạng quá tải so với quy định. Nhiều trường sĩ số lên tới 50 - 60 học sinh/lớp, gây áp lực lớn cho giáo viên. Nay với số lượng học sinh tăng mạnh, quá tải trường lớp vẫn là bài toán nan giải. Cắt lớp bán trú, dồn lớp, cơi nới thêm phòng học từ sân chơi hoặc nhà ăn, chia ca để học... là những phương án “chữa cháy” của nhiều trường ở các thành phố lớn để đón trẻ sinh năm vàng.
Năm nay, không chỉ học sinh trái tuyến mà cả học sinh đúng tuyến cũng sốt ruột lo thiếu chỗ học. Căng thẳng nhất là lứa vào lớp 6 và lớp 10. Nhiều tháng nay, bố mẹ có con thi chuyển cấp đều trong tình trạng “ngồi trên đống lửa”, “bạc mặt” đón đưa con đến các lớp học thêm, rồi lại căng thẳng việc chọn trường.
“Chạy sô” ôn thi
Còn chưa đầy 2 tuần nữa học sinh lớp 9 sẽ bước vào kỳ thi lên lớp 10. Trong tháng 6 này việc tuyển sinh lớp 6 cũng chính thức diễn ra. Thời điểm này hầu hết các trường THCS trên địa bàn Hà Nội đều tổ chức ôn tập cho học sinh tại trường. Tuy nhiên vì quá lo lắng, học ở trường chưa đủ, phần đông gia đình đều tự tìm lớp học thêm, hay nhờ các thầy cô uy tín để “gửi gắm con”.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm nay, Bộ GDĐT “cởi trói” cho những trường có số lượng học sinh đăng ký vào học quá đông được phép thi đánh giá năng lực để chọn lựa thí sinh vào lớp 6. Dù cho ngành giáo dục yêu cầu các trường tổ chức thi phải đảm bảo không gây áp lực thi cử cho học sinh, không tạo việc dạy thêm học thêm. Nhưng thực tế tình trạng dạy thêm, học thêm, luyện thi vào lớp 6 đang diễn ra tràn lan tại nhiều nơi. Học sinh mệt nhoài chạy theo lịch học tại các lò luyện.
“Bắt đầu từ ra tết, gia đình tôi đã sốt sắng đi tìm lớp luyện thi cấp tốc cho con, vì Trường THCS Cầu Giấy ở gần nhà nổi tiếng là có số lượng hồ sơ đăng ký rất đông. Năm nay lượng thí sinh lại tăng đột biến, nên sợ con không học thêm sẽ không thi đỗ. Biết con rất mệt những bố mẹ cũng có sướng đâu. Nhiều hôm ăn vội ăn vàng, vợ chồng thay nhau đón đưa con đi học giữa trời nắng chang chang.
Đúng là đẹp đâu chưa thấy, nhưng chỉ thấy từ ngày con đi học, mỗi lần chuyển cấp là gia đình lại mất ăn mất ngủ. Con luôn phải vất vả cạnh tranh giành suất học vì năm này trường nào cũng đông, cũng quá tải”- chị Nguyễn Thị Hà (có con học lớp 5 Trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, Hà Nội) than thở.
Không chỉ học sinh vào lớp 6 căng thẳng, mà cuộc đua của những học sinh đang học lớp 9, giành suất vào lớp 10 trường công lập còn quyết liệt hơn nhiều. Tại Hà Nội, nếu mọi năm tham dự kỳ thi này chỉ khoảng 70.000 - 80.000 thí sinh, thì năm nay lên tới 105.000 em. Trong khi trường lớp thì có hạn, vì vậy sẽ chỉ có khoảng 85.800 học sinh có suất học ở trường công lập, số còn lại sẽ học trường dân lập, hoặc đi học nghề.
Kỳ thi vào lớp 10 vốn được coi là căng thẳng hơn thi đại học, bởi ít lựa chọn cho học sinh, năm nay sẽ càng căng thẳng hơn, vì tỉ lệ “chọi” tăng cao. Điều này đang gây áp lực lớn cho các trường cũng như học sinh, phụ huynh trong việc lo chỗ học cho con em mình.
“Bước sang học kỳ hai, gần như em chưa có ngày nào nghỉ, không đến trường thì đến lớp học thêm. Có ngày, em chỉ ngủ 3 - 4 tiếng, thời gian còn lại dành hết cho việc học. Nhiều hôm đang ngủ, em mơ mình không làm được bài thi, thế là bật dậy, tỉnh ngủ luôn” - đây là chia sẻ của một học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội.
Sở dĩ em phải học tập căng thẳng như vậy vì nguyện vọng của gia đình muốn em thi vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hoặc Chuyên Sư phạm Hà Nội.
Con căng thẳng luyện thi, bố mẹ cũng vất vả không kém trong chuyện thay nhau đưa đón. Vì tâm lý chung của phụ huynh đều mong mỏi con được học trường có chất lượng tốt, nhất là các trường chuyên, trường top đầu, nên dù biết sẽ vất vả cho con, cha mẹ vẫn cố đưa con đi ôn luyện hết trung tâm này đến trung tâm khác.
“Hoa mắt, chóng mặt” - là từ được chị Phạm Thị Hoa (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) dùng để diễn tả trạng thái của mình trong nhiều tháng nay. Con chị phải chạy sô như ca sĩ ở các lò luyện thi cấp tốc, còn chị thì căng thẳng đi mua - rải hồ sơ thi vào lớp 10 cho con. Trong cuộc đua này, không chỉ mệt mỏi về tinh thần mà còn rất tốn kém về kinh tế.
“Các lớp luyện thi cấp tốc bây giờ đều có giá 250.000/buổi (khoảng 2 tiếng). Con học kín các ngày trong tuần, ôn tập cả Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, nên một tháng cũng đi đứt hàng chục triệu. Biết là tốn nhưng đây là tháng nước rút nên phải cố. Mỗi lần thi chuyển cấp, con lo một thì phụ huynh chúng tôi cũng lo mười” - chị Hoa chia sẻ.
Hớt hải lo “chạy trường”
Năm nay, các trường top đầu của Hà Nội như Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức... đều có tỉ lệ “chọi” tương đối cao khi xét về số hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 - 2019. Chính vì vậy, để có suất vào học trường công lập, học sinh và phụ huynh phải sáng suốt trong việc chọn trường.
Cũng vì tâm lý lo lắng, nhiều tháng nay, ngoài việc vất vả đưa đón con đi ôn thi, phụ huynh còn phải vận dụng hết mối quan hệ của mình để “nhờ vả”. Trên các diễn đàn làm cha mẹ thời gian này, các phụ huynh rôm rả bàn chuyện “chạy trường” cho con. Họ kháo nhau trường này, trường kia có những suất ngoại giao, với giá lên đến hàng nghìn USD.
Với tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nên chỉ cần có mối, nhiều cha mẹ sẵn sàng chi tiền lo cho con một suất vào lớp 1, hoặc lớp 6 ở các trường danh tiếng. Vì thế, mùa tuyển sinh đầu cấp cũng là mùa sôi động của việc “chạy trường”.
Chị Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có mong muốn xin cho con vào học tại Trường THCS Nghĩa Tân trên địa bàn quận. Được một người quen mách nước, chị đã chuẩn bị sẵn quà cáp để đến gặp hiệu trưởng nhờ vả. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể liên hệ được vì điện thoại hiệu trưởng luôn trong tình trạng tắt máy, hoặc báo đi công tác, chị đành tìm một trường khác để xin học cho con.
Tắt máy, báo bận, không tiếp khách, không ở nhà... là cách mà nhiều lãnh đạo các trường top đầu đang sử dụng để “né” việc phụ huynh tìm mọi cách “tấn công” xin học. Thậm chí, lãnh đạo Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) còn tâm sự, có mùa tuyển sinh cô còn không dám về nhà sớm, vì lúc nào cũng có người túc trực chờ ở cổng. Có người bị từ chối mà vẫn ngày đêm ăn chực nằm chờ tại cổng gây rất nhiều bất tiện cho gia đình.
Trước những áp lực tuyển sinh đầu cấp này, ông Phạm Văn Đại - Phó Chủ tịch Sở GDĐT TP. Hà Nội trấn an học sinh và phụ huynh: Việc thi cử không tránh khỏi áp lực, tuy nhiên phụ huynh tránh đặt kỳ vọng quá nhiều làm tăng áp lực cho con. Lúc này, phụ huynh nên phối hợp với giáo viên để biết sức học của con, từ đó có định hướng, chọn trường vừa sức. Nếu lực con học tốt, thì học ở đâu cũng vẫn giỏi.
Ngoài ra, hiện những trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn cũng tuyển sinh, phụ huynh có thể định hướng cho con theo học nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu của xã hội.